Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

CHIẾC LÁ SẠCH- Hiểu Kỳ

Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế chùa Nhiên Đăng, thưa rằng: - Con là một thư sinh luôn biết Tam cương-Ngũ thường.. từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn hủy nhục con.
 Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi hồng, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử! Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng: - Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì. Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy dùm cho mình một cái thùng và một cái gáo múc nước. Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư. Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai: - Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy. Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói: - Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, hủy nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không? Chàng trai thở dài gật đầu thưa: - Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng. Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói: - Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ. Vừa nói, vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước. Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng: - Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào? Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ. Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư: - Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần... Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng: - Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn... không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước (những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm. Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng. Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước. Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng: - Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt. Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng: - Vì sao Ngài lại nói như thế? Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi. Đại sư bảo chàng trai: - Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi... rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang. Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Thích Tế: - Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi. Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ...

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

9 Điều Khuyên" cho người cao niên”

1. Hãy vui với nguời khác như bạn bè, bà con..đừng tìm vui trong việc tích trữ của cải. 2. Lập chuơng trình tiêu xài hết tiền của mà bạn để dành.. Bạn xứng đáng tiêu pha nó trong mấy năm còn lại của đời nguời. .....Nếu được, cứ đi du lịch. .....Để của lại cho con, chúng nó sẽ gấu ó nhau và nhiều chuyện rắc rối xảy ra sau khi bạn qua đời. 3. Hãy sống với hiện tại . ....Đừng sống cho quá khứ hay cho tương lai. ....Bạn có ngày hôm nay trong tay bạn. Ngày hôm qua thì đã qua, ngày mai thì chưa đến hoặc không bao giờ đến. 4. Hãy vui với lũ cháu nội ngoại của bạn (nếu bạn có..) nhưng đừng làm kẻ giữ trẻ trọn thời gian..Trách nhiệm nuôi dạy trẻ là của cha mẹ nó. Sau khi bạn đã nuôi con nên nguời rồi, bạn không còn trách nhiệm gì với bầy cháu của bạn. Đừng thấy áy náy khi từ chối giữ trẻ nếu bạn không thấy thích thú chăm sóc trẻ. 5. Chấp nhận sự già yếu, đau nhức của tuổi già..Hãy vui với những gì mình còn làm được 6. Vui với những gì bạn dang có. .....Đừng lao nhọc tìm những gì bạn không có. Đã trễ rồi, thời gian không còn nhiều nữa..! 7. Hãy vui cuộc đời với người phối ngẫu (vợ/chồng), con cháu, bạn bè.. ....Nguời khác yêu bạn, phải yêu chính bạn chớ không phải những gì bạn có. Ai yêu những gì bạn có chỉ gây khổ cho bạn mà thôi. 8. Tha thứ cho mình và cho nguời. ....Chấp nhận sự tha thứ. ....Vui hưởng sự bình an trong tâm hồn. 9. Làm quen với sự chết. Nó sẽ xảy ra. Đừng sợ hãi. Nó là một phần của cuộc đời. ....Chết là bắt đầu một cuộc đời mới hơn, tốt đẹp hơn. ....Chuẩn bị một cuộc sống mới với Đấng Tạo Hóa. Vui sống với Tuổi Già Gởi những ai đã và sắp đến tuổi già Bí quyết vui sống của tuổi già Trước tuổi trung niên - Đừng sợ hãi! Sau tuổi trung niên - Đừng tiếc nuối! Hãy tận hưởng cuộc đời khi có thể

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

TÔI MUỐN CÓ MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

"Đêm hôm đó khi trở về nhà, trong lúc vợ tôi dọn bữa ăn tối, tôi nắm lấy tay cô ấy và nói rằng, tôi có việc cần phải nói với cô ấy. Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn. Một lần nữa tôi nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt cô ấy Đột nhiên, tôi không biết phải làm thế nào để bắt đầu câu chuyện. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đã suy nghĩ. Tôi muốn ly hôn. Tôi nêu vấn đề ra một cách bình tĩnh. Dường như cô ấy không bị khó chịu với những lời tôi nói, thay vào đó chỉ nhẹ nhàng hỏi, tại sao? Tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Điều này đã làm cô ấy giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi, anh không phải là một người đàn ông! Đêm đó, chúng tôi đã không nói chuyện với nhau. Cô ấy thổn thức. Tôi biết cô ấy muốn tìm hiểu những gì đã xảy ra đối với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó có thể cho cô ấy một câu trả lời dễ chịu gì, cô ấy đã để Jane đánh cắp mất trái tim tôi. Tôi không còn yêu cô ấy nữa. Tôi chỉ thương hại cô ấy! Thực sự cảm thấy tội lỗi, tôi thảo lá đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần của công ty tôi. Cô ấy liếc nhìn nó và sau đó xé nó ra từng mảnh nhỏ. Người phụ nữ đã trải qua hơn chục năm cuộc đời mình với tôi đột nhiên đã trở thành một người xa lạ. Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy vì đã đánh mất thời gian thời gian, nguồn lực và sức lực, nhưng tôi không thể rút lại những lời đã nói - tôi đã quá yêu Jane. Cuối cùng cô ấy òa khóc trước mặt tôi, và đó là những gì tôi mong đợi xảy ra. Đối với tôi, tiếng khóc của cô ấy sẽ là cách để giải tỏa nỗi đau. Ý tưởng về việc ly hôn đã dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ dường như chắc chắn và rõ ràng hơn. Ngày hôm sau, tôi trở về nhà rất muộn và thấy cô ấy đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi không ăn bữa tối mà đi ngủ luôn và ngủ thiếp đi rất nhanh bởi vì tôi đã mệt mỏi sau một ngày bận rộn với Jane. Khi tỉnh giấc, cô ấy vẫn ngồi viết ở bàn. Tôi không quan tâm vì vậy tôi trở mình và ngủ tiếp. Buổi sáng dậy, vợ tôi bắt đầu trình bày điều kiện ly hôn: Cô ấy không muốn bất cứ thứ gì từ tôi, nhưng cần tôi thông báo một tháng trước khi ly hôn. Cô ấy yêu cầu rằng trong một tháng đó, cả hai chúng tôi phải cố gắng để sống một cuộc sống bình thường nhất có thể. Lý do cô ấy đưa ra khá đơn giản: con trai của chúng tôi sẽ có kỳ thi của mình trong một tháng tới và cô ấy không muốn làm nó phân tâm với cuộc hôn nhân tan vỡ của chúng tôi. Tôi có thể chấp nhận được điều kiện này. Nhưng cô ấy còn yêu cầu nhiều hơn thế, cô ấy yêu cầu tôi nhớ lại cách mà tôi đã đưa cô ấy vào ra phòng cô dâu trong ngày cưới của chúng tôi. Cô yêu cầu mỗi ngày trong thời gian một tháng tới tôi phải đưa cô ấy ra khỏi phòng ngủ của chúng tôi tới cửa trước vào buổi sáng. Tôi nghĩ rằng cô ấy bị điên rồi. Chỉ để giúp cho những ngày cuối cùng của chúng tôi cùng nhau là chấp nhận được tôi đành chấp thuận yêu cầu kỳ quặc của cô ấy. Tôi đã nói với Jane về điều kiện ly hôn của vợ tôi. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. Bất kể vợ tội có mánh khóe gì, cô ấy vẫn phải đối mặt với việc ly hôn, Jane nói một cách khinh bỉ. Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi ý định ly hôn của tôi được thể hiện một cách rõ ràng. Vì vậy, khi tôi bế cô ấy vào ngày đầu tiên, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Con trai tôi vỗ tay và theo sau chúng tôi: Cha đang bế mẹ trên tay của mình. Lời nói đó của con trai mang lại cho tôi một cảm giác đau đớn. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó đến cửa, tôi đã bước đi trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, đừng nói với con trai của chúng ta về việc ly hôn. Tôi gật đầu và cảm thấy có chút gì đó đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt để đi làm. Tôi lái xe một mình đến văn phòng. Vào ngày thứ hai, cả hai chúng tôi đã hành động dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của cô ấy. Tôi nhận ra rằng tôi đã không nhìn người phụ nữ này một cách cẩn thận trong một thời gian dài. Tôi nhận ra cô ấy không còn trẻ nữa. Có những nếp nhăn trên khuôn mặt của cô, mái tóc cô đã ngả màu xám! Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã lấy đi nhiều thứ của cô ấy. Trong một phút, tôi tự hỏi tôi đã làm được những gì cho cô ấy. Vào ngày thứ tư, khi tôi nâng cô ấy lên, tôi cảm thấy một cảm giác thân mật trở về. Đây là người phụ nữ đã có mười năm chung sống với tôi. Vào ngày thứ năm và thứ sáu, tôi nhận ra rằng cảm giác của sự thân mật của chúng tôi đã tiếp tục tăng lên. Tôi đã không nói với Jane về việc này. Việc bế vợ tôi đã trở nên dễ dàng hơn khi thời gian một tháng dần trôi qua. Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi trở nên khỏe hơn. Một buổi sáng, cô ấy đã lựa chọn kỹ càng những đồ để mặc. Cô đã thử một vài bộ nhưng không thể tìm được một bộ nào phù hợp. Cuối cùng, cô ấy thở dài, tất cả quần áo của mình đã trở nên rộng hơn. Tôi đột nhiên nhận ra rằng cô đã quá gầy, đó là lý do tại sao tôi bế cô ấy đã dễ dàng hơn. Đột nhiên điều đó như một cú đánh vào tôi ... cô ấy đã phải chôn giấu nhiều đau đớn và nỗi cay đắng trong tim. Một cách vô thức, tôi đưa tay ra và chạm vào đầu cô ấy. Lúc này con trai chúng tôi chạy đến và nói, Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi. Đối với thằng bé, việc thấy cha mình bế mẹ mình trên tay đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của nó. Vợ tôi ra hiệu cho con trai của chúng tôi lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng tôi có thể thay đổi quyết định của tôi ở phút cuối cùng này. Sau đó tôi bế cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ, ngang qua phòng khách, và đi qua hành lang. Cô ấy vòng tay qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, giống như vào ngày cưới của chúng tôi. Điều làm tôi buồn là cô ấy còn nhẹ hơn nhiều so với tôi tưởng. Vào ngày cuối cùng, khi ôm cô ấy trong vòng tay của tôi, tôi lại khó có thể cất được bước chân. Con trai chúng tôi đã đi đến trường. Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói rằng, anh đã không nhận thấy rằng cuộc sống của chúng ta đã thiếu đi sự thân mật. Tôi lái xe đến văn phòng .... nhảy ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi quyết định của mình... Tôi bước lên mấy bậc thang. Jane mở cửa và tôi đã nói với cô ấy, Xin lỗi Jane, anh không muốn ly dị nữa. Cô ấy nhìn tôi, ngạc nhiên, và sau đó sờ trán tôi. Anh có bị sốt không? Cô ấy nói. Tôi gỡ tay cô ấy ra. Xin lỗi, Jane, tôi nói, anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ đã tẻ nhạt vì cô ấy và anh không đánh giá cao những chi tiết của cuộc sống chung, chứ không phải vì bọn anh đã không còn yêu nhau nữa. Giờ đây anh nhận ra rằng vì rằng anh đã bế cô ấy vào trong nhà vào ngày cưới, anh sẽ bế cô ấy như vậy cho đến khi cái chết chia lìa anh và cô ấy. Jane dường như choàng tỉnh. Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và bật khóc. Tôi xuống cầu thang và lái xe đi. Tại tiệm hoa bên đường, tôi mua một bó hoa cho vợ tôi. Cô bán hàng hỏi tôi cần ghi những gì trên thiệp. Tôi mỉm cười và viết, anh sẽ bế em ra khỏi phòng vào mỗi sáng cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta. Tối hôm đó, tôi về đến nhà, với hoa trên tay, và nụ cười nở trên môi, tôi chạy lên cầu thang, chỉ để thấy vợ tôi nằm trên giường - cô ấy đã ra đi. Vợ tôi đã chiến đấu với căn bệnh UNG THƯ trong nhiều tháng qua và tôi đã quá bận rộn với Jane để có thể nhận ra điều đó. Cô ấy biết rằng mình sẽ chết và cô ấy muốn ngăn tôi khỏi bất kỳ phản ứng gì tiêu cực từ con trai của chúng tôi, trong trường hợp chúng tôi sẽ ly hôn với nhau - Ít nhất, trong con mắt của con trai của chúng tôi - Tôi là một người chồng đầy tình yêu thương ... . Các chi tiết nhỏ trong cuộc sống của bạn thực sự là quan trọng trong một mối quan hệ. Nó không phải là biệt thự, xe hơi, tài sản, hay tiền trong ngân hàng. Những thứ đó tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hạnh phúc, nhưng bản thân chúng không thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Vì vậy, hãy dành thời gian để trở thành bạn thân của người bạn đời của bạn và làm cho nhau những việc nhỏ để có xây dựng được sự thân mật. Hãy có một cuộc hôn nhân thực sự hạnh phúc! Nếu bạn không chia sẻ bài này, chẳng có điều gì xảy ra với bạn. Nếu bạn chia sẻ, bạn có thể sẽ cứu vãn được một cuộc hôn nhân nào đó. Nhiều người gặp thất bại trong cuộc sống là những người không nhận ra họ đã đến gần với thành công thế nào khi họ quyết định bỏ cuộc. ♥ Hãy nhớ rằng tình yêu là những thứ quý báu nhất trong tất cả các kho báu. Nếu không có nó bạn sẽ chẳng có gì, và nếu có nó bạn có tất cả mọi thứ. Tình yêu không bao giờ mất đi, ngay cả khi xương cốt của một người mình yêu đã trở thành tro bụi. Cũng giống như mùi thơm của gỗ đàn hương không bao giờ mất đi, ngay cả khi nó đã bị nghiền nát, tương tự như vậy nền tảng của tình yêu là linh hồn, nó không thể phá hủy và tồn tại mãi mãi. Vẻ đẹp có thể mất đi, nhưng tình yêu thì không bao giờ. ♥ HÃY CHIA SẺ BÀI NÀY SAU KHI ĐỌC

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

NHỮNG ĐỒI HOA SIM

 

“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung, tôi cũng học tại Thanh Hoá, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938, lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khoá ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn, Đỗ Thiện và … Tôi – Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hoá để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khoá đầu tiên. Ở Thanh Hoá, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.
Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà. Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí : ‘ Em chào thầy ạ’. Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằng sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu ấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một ‘bà cụ non’. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo : em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn ; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …
Có lần tôi kể chuyện « bà cụ non » ít nói cho 2 người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận ! Suốt một tuần liền em nằm lì trong buồn trong, không chịu học hành … Một hôm, bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ … Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý : « mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu » Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …
Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. bất chợt em hỏi tôi :
- Thầy có thích ăn sim không ?
Tôi nhìn xuống sườn đồi : tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ … Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.
- Thầy ăn đi.
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ : « Ngọt quá ».
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế !
Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác.Tôi nhìn em, em cười. hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì … tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo !
Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi … Tôi quay đầu nhìn lại … em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa …
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …
Chín năm sau, tôi trở lại nhà, về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp …
Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm « soạn kịch bản ».
Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là :’yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả’. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay … lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết !
Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, Em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ giờ em không còn cô bé Ninh nữa, mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại … Nếu như 9 năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mát thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ : vợ tôi qua đời ! Em chết thật thảm thương : Hôm đó là ngày 25/05 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối ! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sau thẳm trong trái tim tôi …
Tôi phải giấu kính nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn … Dường như càng kèm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, Tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra:
Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh …

… Tôi về không gặp nàng …
Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hoá … Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.
Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 02/04/1916 hiện tại đang « ở nhà trông vườn » ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ « quê đẻ của tôi đấy » thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá.
Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay, nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu :
Chiều hành quân, qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt
Và chiều hoang tím có chiều hoang biếc
Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi’ hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi’. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá ! với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi !
Đó là thời năm 1955-1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút cam tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì ! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng … Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn 1 tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông … Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động.. Tôi phản động ở chỗ nào ? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc ?
Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được ! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có 2 cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi … Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi ! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi ! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi.
Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mết chuộng. sau năm 1956, khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm !
Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954-1955.
Lúc đó còn là chính trị viên của tiểu đoàn, tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần 500 mẫu tư điền.
Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, Tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố . Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại 2 cái đầu đó, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.
Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ, nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn.
Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi ; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.
Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no … Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa !
Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ. Thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm ra nhập làm gì.
Năm 1988, tôi « tái xuất giang hồ » sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gío. Tôi lang bạt gần 1 năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự.
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với gía 100 triệu đồng. Họ bảo, đó là một hình thức bảo tồn tài sản Văn hoá. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia « lộc » cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi gìa, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan.
Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán…”.

Nhà Thơ HỮU LOAN
MÀU TÍM HOA SIMNàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI SỬ DỤNG ĐTDĐ


Có bao giờ sau khi dùng điện thoại, bạn bỗng cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, thậm chí buồn nôn không?

Điện thoại trong thời buổi hiện nay có thể coi là vật-bất-li-thân của mỗi người, nhưng hiểm hoạ từ nó là rất nguy hiểm nếu bạn không biết cách phòng tránh.

►1. Điện thoại của bạn rất bẩn!
Theo như một cuộc nghiên cứu thì sự thật là: điện thoại di động có lượng vi khuẩn nhiều gấp 18 lần nhà vệ sinh của đàn ông!
Như đã nói, điện thoại được coi như vật-bất-li-thân, vì vậy mà đi đâu thì ta cũng cầm theo chúng:đi học, đi chơi thể thao, đi ăn nhà hàng, đi làm, kể cả lúc... đi vệ sinh nữa! (Thật đấy ạ!) =))
Điều đó chính là nguyên nhân khiến cho điện thoại rất bẩn. Đáng nguy hiểm là bạn thường xuyên tiếp xúc điện thoại di động và đặt chúng ngay sát mặt và miệng!

Giải pháp là chúng ta nên dùng giấy dán hoặc bọc nhựa cho dế của mình, và nhớ là phải thay chúng hoặc ít nhất là lau chùi định kì, bạn nhé! ^^

►2. Đừng để điện thoại trong túi quần hoặc túi áo!
Điện thoại liên lạc được nhờ sóng điện từ. Việc để điện thoại trong túi quần đã khiến cho sóng điện từ ảnh hưởng trực tiếp với cơ thể, đối với bạn nam có thể làm yếu "tinh binh", và ở bạn nữ thì là chứng "rối loạn kinh nguyệt"!

Còn khi để điện thoại trong túi áo, sóng điện từ có thể hấp thụ trực tiếp vào cơ thể, bạn nào bị bệnh tim thì càng không nên một tí nào nhé!
Lời khuyên cho bạn là hạn chế để điện thoại tiếp xúc trực tiếp cơ thể, hãy để điện thoại trong cặp, túi sách.

Trong trường hợp thực sự cần thiết mới đút túi quần, áo thui nha!

►3. Hãy nghe điện thoại đúng cách!
Nhiều bạn trẻ có thói quen nghe điện thoại bằng cách nghiêng cổ trong khi tay thì để... ăn bim bim! =))

Đừng tưởng là bình thường nhé, thói quen như vậy là cực kì nguy hiểm đó! Một khi đã tạo thành thói quen sẽ rất khó sửa, nghiêng đầu quá nhiều có thể gây cong vẹo đốt sống cổ, nghe trong thời gian dài gây thiếu máu lên não, trúng gió,...

►4. Bức xạ của điện thoại có thể tăng theo từng trường hợp!
Ở những nơi góc cạnh của các công trình kiến trúc, sóng tín hiệu thường rất kém. Công suất bức xạ của di động sẽ theo đó tăng lên đáng kể, rất có hại cho sức khoẻ!
Đừng để điện thoại sát tai khi vừa quay số xong! Khi chưa kết nối với người nghe, bức xạ từ điện thoại cũng tăng lên rõ rệt. Vậy nên chỉ nên để sát tai khi có thông báo kết nối thôi nhé! ^^

Thêm một điều nữa, khi nghe điện thoại bị rè, nhiễu, sóng kém, thì cũng chớ để sát tai hòng nghe rõ hơn vì làm như vậy không những không có tác dụng gì, mà khi đó bức xạ điện thoại cũng tăng gấp đôi!

►5. Điện thoại của bạn có thể nổ hoặc gây hoả hoạn
Chắc chắn rồi, ai cũng biết là không nên sử dụng điện thoại ở nơi dễ cháy nổ, đặc biệt là cây xăng.

Nhưng còn một điều nữa chưa hẳn bạn đã biết đâu nhé: nghe điện thoại khi đang sạc là rất nguy hiểm!

Với điện thoại chất lượng cao, sạc pin và ổ điện hoàn toàn tốt thì khả năng nguy hiểm không cao. Nhưng nếu ổ cắm không tốt, khi cắm vào có tiếng lẹt xẹt thì khả năng nhiễm điện sẽ cao. Khi đó, cộng với sóng điện từ của điện thoại, người nghe sẽ bị phóng điện vào tai làm điện giật và khả năng chết ngay là rất cao. Máy điện thoại trôi nổi, rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, thì công suất phát sẽ rất lớn, gây nguy hiểm.

►6. Đừng nghe điện thoại khi chỉ còn một vạch pin!
Khi lượng pin trong máy điện thoại tới vạch chót (sắp hết pin), đừng nên nghe điện thoại vì bức xạ lúc này cao gấp 1000 lần bình thường cơ đấy!

Đừng ngần ngại chia sẻ cho bạn bè của bạn cùng biết nữa nhé! [
]

__._,_.___

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

NGƯỜI BỆNH CÓ THỂ TỰ MÌNH LÀM GIẢM NHANH

Ðược xem là cao huyết áp khi chỉ số huyết áp cao hơn 14cmHg và chỉ số huyết áp dưới lớn hơn 9cmHg. Cao huyết áp với hệ quả tai biến mạch máu não và những di chứng của nó luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người lớn tuổi. Ngày nay, mặc dù y học đã có những bước tiến vượt bậc, các triệu chứng này hiện vẫn gây tốn kém nhiều công sức và tiền của cho xã hội.

Tuy nhiên có một điều mà ít người quan tâm là với một số động tác đơn giản của y học dân gian, người ta có thể làm giảm cơn cao huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chận những diễn biến xấu hơn trong khi bệnh nhân chờ được chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên môn cần thiết.

Huyết áp cao có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó việc điều trị dứt điểm cần sự chẩn đoán và thời gian thích hợp. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến một phương pháp đơn giản mà người bệnh có thể tự thực hiện để "cắt cơn" cao huyết áp, giải tỏa kịp thời nguyên nhân gây ra tai biến về não trước khi được sự chăm sóc của thầy thuốc.

Theo y học cổ truyền, triệu chứng huyết áp cao là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo hỏa) gây ra. Giải quyết triệu chứng này đồng nghĩa với việc giáng khí, làm cho khí đang lưu chuyển ngược lên đầu sẽ hướng xuống phía dưới và tỏa ra lớp da ngoài của cơ thể.

NHỮNG ÐỘNG TÁC CỤ THỂ GỒM :
1. Vuốt ấm hai vành tai
Dùng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay vuốt dọc vành tai cùng bên, từ trên xuống dưới khoảng 9, 10 lần. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng với nhau, do đó vuốt ấm vành tai cũng là tác động vào cột sống lưng, vừa có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, vừa kích thích sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí do kinh bàng quang phân bố dọc hai bên sống lưng (nếu có người thứ hai bên cạnh có thể nhờ người này trực tiếp ngồi sau lưng dùng bàn bay tay phải vuốt dọc sống lưng từ trên gáy xuống đến tận thắt lưng để gia tăng thêm tác dụng).

2. Vuốt dọc hai bên mũi
Mỗi bàn tay vuốt một bên mũi, vuốt đều hai bên cùng một lúc. Dùng ngón tay trỏ vuốt từ ấn đường (điểm giữa hai đầu chân mày) xuống dọc theo hai bên mũi qua khóe miệng đến tận chót cằm. Vuốt chậm, nhẹ và làm không dưới 15 lần.

Kích thích huyệt ấn đường có tác dụng làm phóng thích chất endorphine nội sinh có thể làm cho an thần, hạ huyết áp và giáng khí. Vuốt dọc theo hai bên mũi xuống cằm là tác động vào hai kinh dương minh. Học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền cho rằng kinh dương minh là kinh dương, tập trung nhiều huyết khí, huyết; có chức năng quan trọng nhất trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Ðộng tác này làm gia tăng sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí, gây ấm người và làm nhẹ áp lực lên thành mạch.

3. Vuốt dọc hai chân mày
Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ ấn đường đi dài theo xương chân mày ra thái dương đến tận mí tóc ở phía ngoài đuôi mắt. Vuốt mỗi bên khoảng 10 lần. Vùng chân mày và hai cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau, do đó động tác này ngoài việc giải tỏa sự sung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán còn làm cho khí huyết lưu thông ra hai cánh tay và bàn tay để giúp nhẹ áp lực ở đầu.

4. Ngồi hoặc nằm thư giãn
Ngồi thoải mái, lưng tựa ghế hoặc nằm xuổng thư giản hít thở điều hoà, tư tưởng tập trung vào mười đầu ngón chân. Theo y học cổ truyền thì thần ở đâu khí ở đó, do đó khi tập trung ý nghĩ tại vùng bàn chân, khí trong cơ thể từ phía trên đầu sẽ lưu chuyển về hướng bàn chân nên có tác dụng hạ khí. Việc tập trung tư tưởng càng tốt, hiệu quả hạ khí càng cao. Ðộng tác này phải kéo dài hơn 10 phút. Trên thực tế, có nhiều người có khả năng thư giãn và tập trung tốt trong khi thực hành đến bước 4 đã từ từ rơi vào giấc ngủ.

Mỗi khi cảm nhận được những dấu hiệu huyết áp tăng cao như căng, nặng ở vùng thái dương, đau đầu, mờ mắt, mắt đỏ..., người bệnh nên ngồi xuống, tập trung tinh thần thực hành lần lượt 4 động tác trên. Bình tĩnh và tự tin là yếu tố cần thiết trong quá trình thực hiện các động tác. Sau khoảng 15 phút thực hành, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đi cảm giác khó chịu ở vùng đầu, nhịp đập của tim sẽ chậm lại, tay chân sẽ ấm lên. Ðó là lúc huyết áp đã hạ bớt.

Ngoài việc áp dụng đã hạ huyết áp, thực hiện những động tác trên còn là một biện pháp dưỡng sinh tốt để ổn định thần kinh, gia tăng việc lưu thông khí huyết trong cơ thể, giúp giữ thể trạng tốt.

Trường hợp thực hành để giúp giữ gìn sức khỏe, riêng giai đoạn 4 nên tập trung tư tưởng tại vùng đan điền (dưới rốn khoảng 3 phần) thay vì tập trung ở 10 đầu ngón chân.

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Ván cờ sinh tử


Vào thời võ sĩ Đạo tại Nhật, có một kiếm khách nổi tiếng với đường kiếm tuyệt luân của mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng thặng. Sau một quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm khách này đã ngộ ra lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành.

Qua nhiều năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người biết đến về đạo hạnh.Trong suốt thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để nâng kỹ năng về Kiếm và Cờ của Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo. Vì vậy, tên tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy. Nhiều người đã đến xin học đạo với Ông và do đó Ông đã có nhiều môn đệ.
Một ngày kia, có một chàng thanh niên đến ra mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã nhìn kỹ chàng thanh niên và nói:
- Ta chỉ nhận làm đệ tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi tự xét thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây?
Sau một thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên đáp:
- Con có khả năng chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều tay chơi Cờ giỏi có hạng.
Liền đấy vị Thiền Sư lại hỏi:
- Vậy, bây giờ ngươi có muốn thi đấu về Cờ không?
- Dạ, thưa, Con muốn thử. – Chàng thanh niên đáp.
Nghe vậy, vị Thiền sư đi vào phía sau Thiền viện và trong khoảnh khắc lại trở ra với một thiền sinh. Đó là một nhà sư đã có tuổi vẻ mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất giỏi về Cờ trong Thiền viện. Sau khi giới thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu với nhau, ông đã nghiêm nghị nói:
- Trước khi bắt đầu cuộc đấu, Ta cần phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”, người thua cuộc sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không?
Cả hai đều tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt đầu thi đấu, trong khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu. (vậy mà họ vẫn chơi cờ được dưới áp lực ghê gớm như thế!).
Thoạt tiên, khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ, như để dò ý và tìm hiểu về khả năng cũng như lối chơi của đối phương. Một lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công, vị thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ.
Chàng thanh niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương. Chàng bỗng đâm ra lo ngại là không những sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà còn bị mất mạng nữa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ tấn công rất hiệu lực của đối phương.
Nhưng chàng ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể áp dụng để thay đổi tình thế.
      Trong cơn lo lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là sử dụng những nước cờ “liều”, biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt. Nghĩ xong chàng liền áp dụng ngay.
Đang ở trong thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn công quyết liệt. Những nước cờ “liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất là trong một ván cờ sinh tử như thế này. Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt buộc đối thủ phải lui về chống đỡ.
Người thiền sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị không thể tiên đoán được của chàng thanh niên liều mạng này.
Chàng thanh niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công tới tấp để mong chiến thắng. Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong nội tâm của chàng bỗng nổi lên ý nghĩ:
“Hôm nay, đến nơi này để xin học Đạo, phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong lúc nguy khốn vì bị tấn công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển bại thành thắng, đưa đối phương vào thế phải thúc thủ. Trong chốc lát đây ván cờ sẽ kết thúc, người thiền sinh phúc hậu kia sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất gần suốt cuộc đời để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại phải trở thành “cây thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng vì kết quả của ván cờ. Thật là oan uổng… Trong khi những ý niệm đó hiện ra và đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang đi bỗng nhiên có vẻ chậm lại và mất phần kiến hiệu.
Và vì vậy, chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến dần đến thế quân bình, rồi trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động.
Bây giờ đến lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”. Chỉ thêm vài nước, người thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần như không có lối thoát. Nhưng bất chợt, đột nhiên thế cờ của người thiền sinh bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của chàng thanh niên lại có phần chần chừ, bất định. Do đó, ván cờ đang ở vào giai đoạn sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại. Nhưng cuối cùng, dù muốn dù không, ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền sinh nhân hậu kia bắt buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại đã hiện ra trước mắt.
Đột nhiên, vị Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi vỏ. Mũi kiếm được chĩa ngay vào đỉnh đầu của chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người thiền sinh vội cúi đầu, chắp tay niệm Phật.
Với một đường kiếm tuyệt luân và thần tốc không thể ngờ được, thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn mái tóc trên đỉnh đầu của chàng thanh niên. Giờ đây, trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa được “thí phát” để “quy y”. Và vị Thiền sư đã cất tiếng nói với chàng thanh niên:
- Hôm nay, ta chính thức nhận con làm môn đệ.
Ván Cờ đã kết thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra để quyết định việc thắng bại mà chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền sinh nhân hậu. Là một bậc Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám sát cuộc thi đấu đã thấy và hiểu rõ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên. Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ của hai kẻ ngồi trước mặt, nên hiểu được tánh ý, đức hạnh của người môn đệ của mình và thấy rõ tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia; sau cùng Ông đã đi đến quyết định. Dưới mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi đang nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên lại là kẻ chiến thắng.
Chàng trở thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà không màng đến sự an nguy của chính bản thân. Chàng đã tự chiến thắng bản thân bằng lòng nhân ái. Chàng thực sự là một kẻ chiến thắng trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức Phật: “Chiến thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là tự chiến thắng bản thân mình”.
Chàng thanh niên thật xứng đáng được thu nhận để bái sư học Đạo và có cơ duyên để trở thành huynh đệ với người thiền sinh nhân hậu kia..
Nguyễn Huỳnh Ngọc giới thiệu

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

HỌP MẶT NHÓM NGUYỄN HOÀNG 6471 ĐẦU XUÂN QUÝ TỴ 21 THÁNG GIÊNG TẠI NHÀ HÀNG ĐẤT PHƯƠNG NAM 82 HUỲNH TỊNH CỦA , Q1,HCM.

Kính Thầy Cô và các anh chị

Cứ mỗi dịp đầu năm, anh chị em lại có dịp hội ngộ để chúc Tết nhau, chúc nhau những gì tốt đẹp cho cuộc sống.

Trong tinh thần đó, năm nay NH6471 đã có cuộc Họp mặt đầu Xuân Quý Tỵ vào trưa ngày thứ bảy 02.03.2013 tại nhà hàng Đất Phương Nam số 46 Huỳnh Tịnh Của Quận 3 TP HoChiMinh

Đến dự chúng tôi thấy có :

- Thầy Võ Tường Huy, thầy Trần Mạnh Liệu, Cô Võ Thị Hồng, cô Nguyễn Thị Thanh, cô Cao Thị Táo, cô Lê Thị Tránh, cô Phan Ngọc Lan

- Đại diện CHS Trung học Hải Lăng : anh Trần Thanh Thao

- Đại diện nhóm NH6572 : Phạm Quý, Ngô Thị Hương Thủy

- Thân hữu : anh Huân

Đây cũng là buổi mừng sinh nhật lần thứ 60 của nhóm NH6471 nên đa số các anh chị em đăng ký đều có mặt : Trần Phong Dũng, anh chị Trần Văn Hảo, Ngô Hướng, Hoàng Thanh Bình, Trương Ngọc Bỉnh, Lê văn Chương, Châu Hải Dần, Lê Chí Dũng, Võ Đình Đoan, Lê Gai, Trần Hửu Giáo, Nguyễn Quát, Lê Thị Dương Liễu, Hồ thị Phương Loan, Lê Bá Lư, bố con Nguyễn Chơn Lộc, Nguyễn Duy Lẫm, Lê Văn Pháp, Hồ Ngọc Phụ, Phan Văn Thám, anh chị Dương Thành, Cái Phúc Thắng, Trần Kiêm Thảo, Bùi Phước Vĩnh,Trần Thị Xuân, Mẹ con Châu Thị Quý, Lê Văn Tuấn

Ngoài ra còn có anh Trần Hưng NH6369 với một giỏ hoa tươi thắm chào mừng NH6471 họp mặt

Thầy cô, anh chị em gặp nhau vui mừng chào hỏi, hàn huyên tâm sự, đến 11 giờ 30 cả nhóm ổn định, anh Trần Văn Hảo đại diện Nhóm chúc mừng Thầy Cô, các thân hữu và toàn thể anh chị em trong nhóm, chúc nhau thật nhiều sức khỏe, chúc cuộc sống với nhiều tốt đẹp

Anh Hảo cũng thay mặt Ban liên lạc báo cáo tình hình hoạt động của nhóm trong năm 2012 : Ngoài những việc thường xuyên thăm hỏi khi ốm đau, bệnh tật, viếng điếu khi gia đình có tang, chung vui nhau khi có dâu, rễ mới, mừng thọ cho Ba Me, …nhóm cũng đã thực hiện :

Phát hành tập Kỷ yếu NHỚ TRƯỜNG

Cùng nhau ra tham dự ngày Hội trường 21.06 tại Quảng trị

Trao học bổng cho các cháu SV con em, đặc biệt năm nay đã tập hợp được các cháu đang học Đại học tại Saigon và các tỉnh lân cận để giao lưu tạo sự nối kết với nhau

Thăm hỏi Thầy Trần Văn Tuần, thầy Lê Ngọc Dinh, thầy Trần Văn Thỵ ốm đau, hoàn cảnh khó khăn

Ngoài ra NH6471 Saigon hổ trợ cho NH6471 Huế Quảng trị trong cấp phát học bổng cho các cháu và tổ chức ngày tri ân thầy cô tại Huế

Trong buổi họp mặt chúng tôi cũng nhận được 500.000 đ từ Cô Nguyễn thị Thanh hổ trợ cho các cháu khó khăn trong học tập, xin cảm ơn cô Thanh đã quan tâm đến hoàn cảnh các cháu

Có được các thành quả trên là nhờ vào sự đóng góp của tất cả các anh chị em cả về sức lực, nhiệt tâm lẫn tiền bạc, chúng tôi xin trân quý những niềm tin mà anh chị em đã dành cho BLL chúng tôi, đã hổ trợ chúng tôi trong mọi tình huống để thực hiện những chương trình hoạt động của Nhóm

Xin thành thật cảm ơn và kính chúc tất cả quý Thầy cô và các anh chị một năm mới THÂN TÂM ĐỀU AN LẠC

Xin gởi đến quý Thầy cô và các anh chị những hình ảnh ghi được trong buổi họp mặt

Trần Văn Hảo


Họp mặt đầu năm Quý Tỵ & Sinh nhật lần thứ 60 nhóm NH6471


Châu Thị Quý, Bùi Phước Vĩnh, Lê Văn Tuấn, Trần Văn Hảo, Võ Đình Đoan


Đứng : Ngô Hướng, Lê văn Chương, Bùi Phước Vĩnh, Trần Văn Hảo

Ngồi : Lê Văn Tuấn, Châu Thị Quý, Võ Đình Đoan


Đứng : Trần Văn Hảo, Châu Thị Quý, Ngô Hướng, Trần Thị Xuân, Hồ thị Phương Loan, Lê Văn Tuấn, Lê văn Chương,

Ngồi : Bùi Phước Vĩnh, Võ Đình Đoan


Lê văn Chương, Trần Hửu Giáo


Lê văn Pháp đang góp phần cho buổi họp mặt


Trần Phong Dũng, Nguyễn Chơn Lộc, Nguyễn Duy Lẫm, Trương Ngọc Bỉnh, Trần Hửu Giáo, Trần Văn Hảo


Võ Đình Đoan, Lê văn Pháp, Nguyễn Duy Lẫm, Trần Phong Dũng, Nguyễn Chơn Lộc, Trần Thanh Thao, Trần Hửu Giáo, Châu hải Dần, Trần Văn Hảo, Trương Ngọc Bỉnh


Cái Phúc Thắng đang góp phần cho buổi họp mặt


Gặp nhau trao đổi : Lê văn Pháp, Châu hải Dần, thầy Trần Mạnh Liệu, Lê văn Chương


Cô Cao Thị Táo, cô Phan Ngọc Lan, cô Võ Thị Hồng, cô Nguyễn Thị Thanh, cô Lê Thị Tránh


Hồ thị Phương Loan, Lê Thị Dương Liễu, Trần Thị Xuân


Nguyễn Duy Lẫm, Trần Kiêm Thảo, Bùi Phước Vĩnh, Dương Thành


Đứng : Bùi Phước Vĩnh, Võ Đình Đoan, Trần văn Hảo, Dương Thành, Trần Kiêm Thảo

Ngồi : chị Dương Thành, Hồ thị Phương Loan, Lê Thị Dương Liễu, Trần Thị Xuân, Châu Thị Quý


Đứng : Võ Đình Đoan, Bùi Phước Vĩnh

Ngồi : Cô Cao Thị Táo, cô Phan Ngọc Lan, cô Võ Thị Hồng, cô Nguyễn Thị Thanh, cô Lê Thị Tránh


Châu hải Dần, Ngô Thị hương Thủy, Võ Đình Đoan, Trần Phong Dũng, Bùi Phước Vĩnh, Phan Văn Thám


cô Võ Thị Hồng, cô Nguyễn Thị Thanh, cô Lê Thị Tránh, Ngô Thị hương Thủy


Trần Văn Hảo đang tuyên bố lý do


Châu hải Dần, anh Huân, Lê văn Chương


Trần Phong Dũng, Lê Bá Lư


Trần Kiêm Thảo, Bùi Phước Vĩnh, c.Trần văn Hảo


Trần Hưng, Trần Kiêm Thảo bên giỏ hoa anh Hưng mừng NH6471


Hồ Ngọc Phụ, Trần Hửu Giáo, Trần Văn Hảo, Phan Văn Thám, Trần Phong Dũng


Thanh Bình, Hương Thủy, Văn Hảo, Trần Hưng, Hồ Ngọc Phụ


Châu Thị Quý và con trai


Hồ Ngọc Phụ, Bùi Phước Vĩnh, Hoàng Thanh Bình, Trần Hưng, Ngô Hướng, Phan Văn Thám

Cô Tránh, chị Hảo, Ngô Hướng, Trần Hưng


Hảo, Loan, Giáo, Liễu, Xuân


Hảo, Bỉnh, thầy Huy, Ngọc Phụ, thầy Liệu, cô Táo, cô Lan


4 chàng trai đệ tứ 4 niên khóa 1967-1968 trường Nguyễn Hoàng : Võ Đình Đoan, Cái Phúc Thắng, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Duy Lẫm


Nguyễn Quát, Châu Hải Dần, Lê văn Chương, Phước Vĩnh, anh Huân


Giáo và 4 cô Lan, Hồng, Thanh, Tránh


Cô Thanh, cô Tránh, c. Hảo, Hửu Giáo, Ngô Hướng


Lê Chí Dũng tham gia Họp mặt với chai rượu mừng


Chí Dũng, thầy Huy, thầy Liệu, cô Táo, cô Lan


Cô Tránh, c. Hảo, Hảo, Trần Hưng, Bá Lư, Chí Dũng


Ngô Hướng, Phan văn Thám, Hửu Giáo, Ngọc Bỉnh


Duy Lẫm, Thanh Bình, Hương Thủy, Phước Vĩnh, Hồ Ngọc Phụ


Ngồi : Thanh Bình, Hồ Ngọc Phụ, Bá Lư, Phong Dũng, Phúc Thắng, Đình Đoan, Duy Lẫm
Đứng : Hương Thủy, Bùi Phước Vĩnh
Phan Văn Thám đang ca
Châu hải Dần song ca với cô Phan Ngọc Lan


Các cô ra về, còn tranh thủ qua dự Họp mặt trường Đồng Khánh
Thủy tiễn cô Tránh
Chụp chung trước khi ra về
Trước khi chia tay
Trở lại với Karaoke : Thảo, Hướng, Loan, Xuân, Liễu, c. Thành, Dương Thành
Hảo, Đoan, Giáo, Thảo, Hưng, Loan, Liễu, Xuân, Lư, Chí Dũng trước khi rời nhà hàng
Mệt và đói : đứa ăn cơm, đứa uống nước