Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013
ỚT, Vị thuốc giảm đau bị bỏ quên
Khi ớt dùng ở ngoài da (dưới dạng rượu hay dầu nóng...) nó là vị thuốc kích thích tại chỗ. Capsaicin gây giãn mạch, tăng lưu lượng máu cục bộ, làm tan máu bầm, giảm đau
Ớt là gia vị khó có thể bỏ qua đối với người Việt Nam, nhất là đồng bào miền Trung. Món ăn thường ngày mà không có ớt đối với họ thật là điều nhạt nhẽo, vô vị. Ớt càng cay càng "hấp dẫn". Chính vị cay làm cho ớt trở thành món ăn khó quên. Thế nhưng cũng chính vị cay của ớt lại đã và đang được cả thế giới đổ xô nghiên cứu và ứng dụng.
Chất capsaicin trong ớt
Quả ớt thuộc họ cà, Đông y gọi là lạt tiêu, lạt tử, ngưu giác tiêu (ớt sừng trâu), hải tiêu... Theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng, có tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau).
Đặc tính sáng giá nhất của ớt chính là chất capsaicin có đặc điểm bốc hơi ở nhiệt độ cao, gây hắt hơi mạnh. Chất capsaicin trong ớt là hoạt chất gây đỏ và nóng, chỉ có khi quả ớt chín, chiếm tỷ lệ từ 0,01-0,1%.
Cảm giác cay mà chúng ta có được là do chất capsaicin kích thích não sản sinh ra chất endorphin, một chất morphin nội sinh, có đặc tính như những thuốc giảm đau, đặc biệt có ích cho những bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính, bệnh đau đầu do thần kinh và các chứng đau do bệnh ung thư.
Capsaicin thúc đẩy sự tiết ra chất P, một neurotransmitter thông báo cho não bạn biết bạn đang bị đau. Tuy nhiên, tiếp xúc với capsaicin lâu sẽ làm giảm cảm giác đau. Vì lý do này, capsaicin đôi khi được sử dụng để làm giảm cơn đau khớp. Capsaicin cũng khích thích sự tiết ra endorphin, hóa chất khiến bạn cảm thấy khoái. Vì thế mà nhiều người bị nghiện ăn ớt.
Capsaicin có trong ớt cũng được ứng dụng để chế tạo những thuốc giảm đau, capsaicin làm giảm tác dụng của chất "P", chất "P" có nhiệm vụ đưa tin đau từ da đến cột sống. Bằng cách chặn đường chất "P", capsaicin có tác dụng như một chất giảm đau có tác dụng lâu và đã điều trị hiệu quả cho khoảng 75% bệnh nhân.
Khi ớt dùng ở ngoài da (dưới dạng rượu hay dầu nóng...) nó là vị thuốc kích thích tại chỗ. Capsaicin gây giãn mạch, tăng lưu lượng máu cục bộ, làm tan máu bầm, giảm đau.
Năm 1998 ở nước Anh có một loại thuốc tên Zacin. Thuốc được bào chế dưới dạng kem bôi chứa 0,025% capsaicin dùng để giảm đau trong viêm xương khớp. Kem được bôi ở khớp bị đau nhiều lần mỗi ngày, làm giảm chất P ở các dây thần kinh mang thông tin đến não. Đối với viêm khớp dạng thấp cũng thấy có tác dụng.
Kinh nghiệm dùng ớt trong điều trị đau lưng, khớp
- Trị đau lưng, đau khớp: Ớt chín 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ chỉ thiên 80g. Tất cả đem giã nhỏ ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng để xoa bóp sẽ mau khỏi.
- Trị đau lưng, đau khớp: 15 trái ớt chín, lá đu đủ 20g, lá ngải cứu 20g, giã nhỏ, sau đó đem ngâm rượu nồng độ cao, xoa bóp thường xuyên vào chỗ đau nhức sẽ thuyên giảm được chứng bệnh.
- Trị đau lưng, đau khớp, đau dây thần kinh: Trái ớt giã nát, ngâm rượu trắng với tỉ lệ 1/2 ( Một phần ớt tươi, hai phần rượu) dùng xoa bóp chỗ đau.
- Trị đau nửa đầu (migraine): Một số nhà khoa học đã nghiên cứu dùng ớt nhỏ một giọt capsaicin vào lỗ mũi phía bên bị đau đầu của người bệnh, kết quả giảm đau thấy rõ. Khi nhỏ thuốc vào bên kia thì không xảy ra điều gì.
- Trị viêm khớp mãn tính: Ớt trái 1-2 quả, dây đau xương, thổ phục linh (củ khúc khắc) mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Trị đau lưng: Cao dán ớt dùng điều trị các cơn đau như đau lưng, viêm khớp và các cơn đau cơ xương khác. Cao dán giúp cải thiện tuần hoàn máu, thư giãn cơ và giảm cơn đau. Sau khi rửa sạch và lau khô chỗ đau, dán tấm dán lên trong 24 giờ. Trước khi dán, nên thử test trước ở diện tích nhỏ để đề phòng quá nóng gây kích thích da. Cao dán sẽ lan tỏa hoạt chất dưới sức nóng của da. Không dùng với da nhạy cảm hoặc đang bị bệnh ngoài da.
Chỉ nên ăn một lượng vừa đủ
Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghĩ ăn nhiều ớt sẽ gây loét dạ dày. Thế nhưng, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy ớt lại là thức ăn tốt cho những người bị loét dạ dày. Theo các chuyên gia, quả ớt có chứa chất capsaicin có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây loét dạ dày, ngăn chặn việc tạo ra a-xít chua, tăng lượng máu chảy vào niêm mạc dạ dày giúp ngừa tình trạng loét hoặc làm lành những vết loét.
Tuy nhiên, những người hay ợ chua thì không nên dùng ớt vì điều này có thể làm bệnh thêm nghiêm trọng.
Ớt tuy có nhiều tác dụng nhưng chỉ nên ăn ớt với một lượng vừa đủ, nếu ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Các chất cay trong ớt sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, gây đau bụng, đi ngoài và chảy máu nếu bị trĩ. Người bị viêm họng mãn tính, viêm loét dạ dày, người mắc bệnh trĩ không nên ăn ớt, hoặc ăn hạn chế.
Vị cay của ớt đúng là ngon và hấp dẫn nhưng phải ăn cay thế nào cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe.
Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013
MÁ TÔI
MÁ TÔI
(truyenngan.com.vn) - Má ơi! Nhà mình giờ hết nghèo rồi má hè!
Má cười làm nhăn dúm mấy nếp da đồi mồi trên mặt:
- Nhà mình có nghèo bao giờ đâu con, nhà mình chỉ ít tiền thôi.
***
Có một bến sông đã tắm mát suốt chiều dài tuổi thơ tôi...
Tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi khắp các cánh đồng để hái rau cho lợn, là những trưa hè bắt hến trên sông, là củ khoai lùi má để dành trên bếp...Tuổi thơ tôi nghèo lắm. Má tôi sớm hôm lo chăm bón ngoài đồng. Ba tôi thả lưới trên sông. Bữa cơm chiều thường chỉ là nồi khoai luộc. Áo quần tôi mặc là của anh tôi để lại với năm ba mãnh vá vội vàng. Anh em tôi đã lớn lên như thế.
Rồi một ngày, những cô cậu bé lem luốc cũng rời xa vòng tay quê mẹ. Anh tôi vào Sài Gòn còn tôi ngược dòng ra Huế mang theo ước mơ con chữ, tấm bằng đại học.
Ngày anh tôi lên đường cái xóm nghèo bỗng trở nên náo nhiệt, người cho quyển vở, kẻ gởi bánh xà phòng. Má tôi không khóc mà chỉ đứng nhìn theo bóng anh gày còm, đen đủa đang cố bước nhanh cho kịp chuyến xe. Mấy đêm liền má tôi không ngủ, mà lặng lẽ ngồi khâu từng chiếc áo cũ của anh, "bây giờ nó không mặc nữa nhưng khâu lại để ba tụi bây mặc đi làm".
Trong những cuộc điện thoại ngắn ngủi hay những dòng thư miên man anh tôi gởi về mang đầy hơi thở của chàng sinh viên nghèo: "Má à! Đồ ăn ở đây đắt lắm, buổi sáng con ăn ngàn xôi mà không đủ no. Cuối tuần con đi làm thêm cũng kiếm được chút chút. Con đi bưng bê phục vụ đám cưới đó má, kiếm được chút tiền mà lại còn được người ta cho đồ ăn thừa mang về. Đồ ăn ở đây ngon lắm đó má, cứ sau mỗi bữa đi làm đám cưới là cả phòng con được bữa no nê đến tận sáng mai".
Mỗi lần có thư anh tôi gởi về là má đọc cả chục cả trăm lần. Hễ cứ rảnh là má đọc, đọc xong má lại lủi thủi ra vườn ngồi trầm ngâm một mình. Má lục tục đi rang mớ đậu, mớ nếp rồi xay thành bột, thứ bột mà má tôi bảo là bột ngũ cốc rất tốt cho sức khỏe. Má đùm túm cất kỹ trong vại rồi đi ngóng chừng khắp xóm xem có ai vô Sài Gòn là má tất bật mang gởi cho anh tôi.
Nghe đâu anh tôi mừng lắm, hôm nào đi học thì anh trộn bột với ngàn xôi là đến trưa không thấy đói, hôm nào ở nhà thì chỉ cần khuấy bột lên coi như đủ no. Nhờ túm bột của má mà anh thôi cảnh đói mỗi sáng.
Mỗi năm anh tôi về thăm nhà được hai lần, đó là những cuộc nói chuyện huyên thuyên thâu đêm suốt sáng. Chị em tôi vây quanh anh tíu tít hỏi "Sài Gòn rộng không anh?" "Sài Gòn chắc đẹp lắm hè?" "Sài Gòn nhiều nhà cao không anh?" "Ở ký túc xá có vui như trong phim không anh?"...Những lúc như thế má chỉ khẽ mắng "để im cho anh bây nghĩ". Mắng thế thôi chứ chính má cũng đứng nghe say sưa chuyện anh tôi kể.
Có một lần mà chị em tôi không bao giờ quên, đó là lần anh tôi về thăm nhà trong dịp nghỉ hè vào một đêm trăng sáng, cả nhà tôi đã dần chìm vào giấc ngủ chợt nghe tiếng má tôi gọi khẽ "thằng cu Bi, thằng cu Bi dề hả con?" Cả nhà choàng dậy.
Anh tôi đứng đợi ngoài cửa trên tay xách chiếc ba lô con con, tay kia giữ kỹ chiếc bao bố to đùng trên vai. Ba, má tôi lo hỏi thăm sức khỏe của anh, "sao lại về lúc nửa đêm thế này?"...còn chị em tôi chỉ lo khám phá chiếc bao bố to đùng kia.
Con bé út nhấc chiếc bao rồi cười ha hả "Chỉ to thôi, không nặng tý mô hết". Thì ra đó là món quà Sài Thành của anh hai mang về cho chị em tôi. "Hôm trước anh Hai đi làm thêm, được 100 ngàn, trên đường về phòng thấy người ta bán gấu
bông đẹp quá nên anh nhớ hai đứa, ghé mua cho hai đứa một con làm quà" Chị em tôi mừng đến tít mắt. Con gấu bông mà anh đêm về từ Sài Gòn có hai màu đen và xám, to gần bằng con bé út nhưng mập mạp hơn nó nhiều.
"Gấu bông đắt lắm hả anh hai?" "Anh chỉ đủ tiền mua loại rẻ cho em thôi". Lúc đó chị em tôi chẳng biết mà cũng chẳng cần biết đó là loại gấu bông được làm từ mấy thứ vải rẻo mà người ta bỏ đi với giá chưa đầy hai mươi ngàn đồng. Cả hai nâng niu con gấu như bấu vật.
Hai năm sau tôi vào đại học. Má tôi lại tiễn tôi đi vẫn với đôi mắt ráo hoảnh như hôm nào. Hành trang tôi mang theo có cả khoai khô, gạo trắng và những đồng tiền nặng vị mồ hôi mà má tôi đã đổi bằng bồ thóc để dành.
Xứ Huế mưa nhiều, lạnh lắm, má tôi lại lo tôi thiếu áo ấm, thiếu chăn mền. Má tất tả đùm túm đi thăm tôi. Món quà má mang cho tôi là trái đu đủ chín trong vườn, là nắm xôi má nấu vội, là dăm ba quả trứng gà mới đẻ, là tấm chăn má để dành bấy lâu.
Mỗi ngày trôi qua tóc ba thêm sợi bạc, mắt má thêm một chút thâm quầng. Những khoảng thời gian ít ỏi của mấy dịp hè, lễ, tết là những lần nhà tôi vui nhất. Anh em tôi quây quần bên nhau kể cho nhau nghe những vui buồn của đời sinh viên xa nhà. Má tôi tất tả nấu những món ngon bồi dưỡng cho anh em tôi.
Hai năm nữa trôi qua, anh tôi tốt nghiệp ra trường. Má tôi vui lắm nhưng lại lo cho công việc của anh. Má chạy vạy khắp xóm, bán thêm con gà mớ thóc để có đủ tiền mua cho anh cái xe đi làm. Con xe Dream Trung Quốc được mang về bằng chính mồ hôi, nước mắt và niềm hy vọng của má.
Những ngày khó khăn, chật vật dần trôi qua. Rồi tôi cũng ra trường. Ngày tôi mang tấm bằng về khoe với má là ngày má khóc nhiều nhất. Má khóc vì vui, vì hạnh phúc và khóc để cuốn trôi tất cả những vất vả, lo toan bấy lâu.
Bây giờ, bé út đã vào đại học. Anh tôi cũng có một chức vụ hẳn hoi trong xã hội. Tôi sắp được nhận tấm bằng Thạc sỹ chính thức. Chúng tôi không còn được quây quần thường
xuyên bên má nữa. Anh, em tôi đã có những tổ ấm riêng của mình để vun đắp. Cơ hội cho anh em tụ tập đông đủ bên má ít dần. Những lần về thăm nhà, tôi thấy tóc má đã bạc gần hết. Má cười nhưng nụ cười sao nhăn nheo quá đổi.
Tôi cũng biết má còn lo cho tôi nhiều lắm. Má lo cho công việc của tôi, lo cho nơi ăn chốn ở của cái gia đình ba người của tôi. Má vẫn không quên nhắc tôi "Sống răng cho thanh thản nghe con!" Tôi hiểu, khi xã hội đang quay cuồng với tiền tài, danh vọng hay chức vụ thì làm sao những con người còn tầm thường như tôi không khỏi bị cuốn vào đó. Và tôi hiểu má muốn tôi biết rằng tất cả chỉ có ý nghĩa khi mình sống thật làm thật.
Chiều nay, chợt thấy thèm quá nồi khoai lang nóng hổi má mới luộc. Thèm quá tiếng cười nói của bé út. Thèm quá bến sông mỗi chiều anh em tôi tắm mát. Tôi về thăm má.
- Má ơi! Nhà mình giờ hết nghèo rồi má hè!
Má cười làm nhăn dúm mấy nếp da đồi mồi trên mặt:
- Nhà mình có nghèo bao giờ đâu con, nhà mình chỉ ít tiền thôi.
Tự dưng, tôi thấy xấu hổ với má quá, má đã hy sinh tất cả cho tôi ăn học nên người nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được một điều rất đời thường rằng "Nhiều tiền không phải là giàu mà chỉ làm cho con người ta đỡ vất vả hơn thôi. Ít tiền chưa phải là nghèo, chỉ là ta phải vất vả hơn một tý."
Cả đời má đã vất vả vì tôi nhưng tôi có làm được gì cho má?
Ngồi bên má, tôi thấy lòng mình sao bình yên quá đỗi. Tôi ước thời gian sẽ dừng lại mãi mãi.
Bỗng dưng tôi thấy mắt mình cay xè...
Xuân Võ
TIN NHẮN THỨ 1000
Khi tôi nhắn đến tin thứ 999 anh đã nhắn lại cho tôi, lần đầu tiên anh nhắn lại "Ngày mai sẽ là tin nhắn thứ 1000, anh sẽ ..."
***
Tôi là một cô gái luôn thất bại trong tình yêu, tôi yêu nhiều và cũng bị đá nhiều. Dần dần tôi hầu như chai sạn với cái thứ mà người ta vẫn gọi là tình yêu.Trên sách báo, blog bạn bè, tình yêu là một thứ gì đó đẹp lắm. Nhưng với tôi, tình yêu chỉ là thứ làm tôi đau khổ. Tôi căm ghét lũ con trai...Căm ghét.
Cho đến một ngày, tôi chứng kiến toàn bộ câu chuyện tình yêu của chị gái tôi.
câu chuyện tình yêu
Chị là cô gái câm bẩm sinh, chị ko nói được. Dường như ai cũng nghĩ người câm như chị tôi sẽ chẳng có ai yêu huống chi nghĩ đến chuyện có chồng. Chị tôi câm, chị tôi không xinh xắn, chị tôi không ưa nhìn. Nhưng chị tôi có một tấm lòng nhân hậu và trái tim cũng biết yêu thương.
Anh ấy là kĩ sư xây dựng, anh ấy đẹp trai, điều kiện, công việc ổn định. Hai người họ ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Nhưng lại yêu nhau, họ đến với nhau bất chấp sự ngăn cản của gia đình, bạn bè. Chị gái tôi không nói được một tiếng yêu anh ấy lần nào, và vĩnh viễn anh sẽ chẳng được nghe chị ấy nói một tiếng yêu. Nhưng anh chấp nhận. Chị cũng biết cách nói lên tình yêu của mình, chị cũng yêu mãnh liệt, yêu tha thiết lắm chứ. Ánh mắt của chị nói lên tất cả.
Chị sống hạnh phúc bên anh, song sinh hai bé gái dễ thương. Tôi khâm phục chị, khâm phục anh, khâm phục tình yêu của hai người. Liệu người như anh rể rồi cũng sẽ đến bên tôi chứ?
Cuối cùng một người tuyệt vời như anh rể cũng xuất hiện, anh không như những người con trai đã đến với tôi. Cả một thời gian dài yêu nhau, anh nói yêu tôi hai lần. Nhưng tôi biết anh yêu tôi nhiều hơn thế. Anh ko sáo rỗng như những chàng trai khác. Anh ít biểu lộ cảm xúc, nhưng anh luôn thầm lặng quan tâm tôi. Tôi yêu anh hơn cả bản thân mình.
Mỗi sáng khi thức dậy tôi đều nhắn một tin nhắn "Dậy nào anh yêu! chúc anh một ngày mới tốt lành. Hôm nay hãy yêu em nhiều hơn hôm qua nhé".
Anh không nhắn lại, nhưng mỗi lần kiểm tra máy anh tôi đều thấy anh cẩn thận lưu lại từng tin của tôi. Khi tôi nhắn đến tin thứ 999 anh đã nhắn lại cho tôi, lần đầu tiên anh nhắn lại "Ngày mai sẽ là tin nhắn thứ 1000, anh sẽ ..."
Tin nhắn có 3 dấu chấm lửng, 1 câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng tôi vẫn vui, tôi vẫn biết anh chẳng hề lạnh lùng như vẻ bên ngoài của anh, tôi vẫn biết anh luôn trân trọng những tin nhắn của tôi. Nhưng khi nhận được tin nhắn duy nhất của anh trong suốt 1 thời gian yêu nhau, tôi hạnh phúc đến ngập tràn.
tôi vẫn nhắn tin mỗi sáng cho anh
Sáng hôm sau tôi dậy rất sớm, cầm máy định nhắn tin cho anh. Nhưng tôi sợ anh vẫn đang ngủ vì đêm qua anh làm việc rất muộn. Tin nhắn thứ 1000 phải thật đặc biệt, tôi bước ra cửa với nụ cười rạng rỡ và ý suy nghĩ về tin nhắn thứ 1000.
" Anh yêu! Em hạnh phúc khi có anh, em biết anh sẽ chẳng bao giờ xa em đâu. Đừng bao giờ buông tay em nhé"
Soạn xong tin nhắn thứ 1000, hồi hộp làm nốt thao tác gửi tin.
...K...e....t chiếc xe tải từ xa lao tới tôi, tôi đã ko thể gửi đc tin nhắn thứ 1000 cho anh.
Tôi vĩnh viên sẽ ko thấy ánh sáng nữa, tôi ko còn thấy gương mặt của anh nữa. Tôi sẽ không thể nhắn tin cho anh vào mỗi sáng thức dậy nữa. Tôi gần như tuyệt vọng và không thiết sống.Sẽ chẳng có ai dám yêu 1 cô gái mù lòa cả, nếu có thì chắc chỉ có trong chuyện cổ tích mà thôi.
Ngày thứ nhất khi tôi ra viện trở về căn phòng quen thuộc. Tôi nhận đc 1 SMS của ai đó, tôi khóc vì bất lực ko thể đọc đc. Thậm chí tôi ko bấm nổi số máy của anh. Nhưng tôi cũng ko muốn nhờ ai khác đọc hay làm hộ.
Ngày thứ 2 khi chiếc đồng hồ báo thức vang lên cũng là tiếng chuông điện thoại báo có SMS mới.
Ngày thứ 3, thứ 4... và ngày nào cũng như ngày nào. Khi tôi thức dậy đều nhận đc 1 SMS mà tôi chẳng hề đọc được. Tôi cười chua chát...
Một tháng sau khi rời bệnh viện, tôi bắt đầu ý thức được và có suy nghĩ tích cực hơn. Anh rể tôi đã giúp tôi có 1 việc làm phù hợp với đôi mắt ko còn thấy gì nữa.Tôi quen dần với những lời nói thương hại và những ánh mắt tò mò mỗi khi ra đường phố. Công việc rất tốt và mọi người trong công ty đều rất hòa nhã và quý mến tôi. Chỉ có ở công ty tôi mới ko có cảm giác cô đơn và nhớ.
Nhưng mỗi lần bước chân vào nhà, tôi đều đau thắt lòng vì nhớ anh, vì cô đơn... Anh không đến thăm tôi lấy 1 lần, không gọi điện hỏi thăm. Cuối cùng anh cũng vẫn chỉ là 1 gã vô tình. Nhưng sao tôi có thể trách anh được, anh có quyền nghĩ về hạnh phúc cho bản thân chứ. Sao có thể yêu 1 cô gái mù lòa, cứ nghĩ đến đó lòng tôi cảm thấy trống trải và òa khóc.
tôi thấy trống trải
Gần 3 năm sau...
Vẫn vậy, mỗi sáng tôi đều nhận được SMS mà vĩnh viễn tôi không biết nội dung. Có những hôm trời mưa rất to tôi rất ít khi chuẩn bị áo mưa, nhưng không hiểu người lạ mặt nào gửi bác bảo vệ công ty cho tôi 1 cái ô, 1 cái áo khoác cho tôi. Những chuyến xe buyt từ cơ quan về nhà, mỗi lần xuống xe đều có 1 bàn tay của ai đó đỡ tôi...Tôi nghĩ đó là bác thu vé xe buýt, tôi cảm ơn nhưng ko nghe thấy tiếng đáp lại.
Hôm đó trên chuyến xe buyt từ công ty về nhà. Tôi bước xuống xe ngõ, vẫn bàn tay mọi ngày đỡ lấy tôi. Bất giác đỏ mặt, mặc dù tôi không nhìn thấy gì. Nhưng tôi biết đó là bàn tay của 1 người con trai. Cảm ơn anh và bước về nhà. Đi được 5 bước chân, tôi giật bắn mình khi cái cảm giác quen thuộc khi xưa xuất hiện. Anh ôm lấy tôi từ sau lưng thì thầm nói...
- Làm vợ anh em nhé!
Không thể nhầm lẫn được, bàn tay này, hơi ấm này, giọng nói này không ai khác ngoài anh. Tôi òa khóc như 1 đứa trẻ con, tại sao bao năm tôi cố gắng quên anh, cố gắng áp đặt những suy nghĩ xấu xa về anh. Giờ anh lại quay lại????
- Hôm nay là tin nhắn thứ 1000 anh gửi cho em. Em còn nhớ khi em nhắn tin nhắn thứ 999 anh hứa sẽ nói gì với em không? Đó là lời cầu hôn. Làm vợ anh em nhé!
Giờ thi tôi đã biết, SMS mỗi sáng tôi nhận được trong suốt 3 năm qua là ai? người con trai luôn đỡ tôi và dõi mắt nhìn theo tôi cho đến khi tôi mất hút vào nhà là ai. Những ngày mưa ai là người đem ô và áo khoác?.... Là anh.
Anh không vô tình, anh không lạnh lùng. Anh vẫn luôn lo lắng và luôn đi bên tôi. Anh chưa bao giờ bỏ rơi tôi mặc dù tin nhắn thứ 1000 chưa kịp gửi. Anh vẫn luôn nắm tay tôi. Nhưng sao tôi thấy tự ti thế này.
Sau hôm đó tôi suy nghĩ nhiều hơn về lời câu hôn của anh. Tôi bắt đầu tò mò về những tin nhắn mỗi sáng của anh. Tôi nhờ mẹ đọc cho tôi tin nhắn gần nhất, tin nhắn thứ 1000
"Em yêu! đây là tin nhắn thứ 1000, là 1000 yêu thương, 1000 nỗi nhớ. Mai anh sẽ cầu hôn em, hãy chấp nhận anh nhé. Em đừng lo lắng hay suy nghĩ gì cả. Em ko thể nhìn đc gương mặt anh. Nhưng em còn có bàn tay, em sẽ nhận ra anh. Em ko thể nhắn tin cho anh vào mỗi sáng sớm, nhưng em có thể hôn tạm biệt anh trước khi đi làm. Và anh tin anh có thể làm được nhiều hơn thế nữa... Anh hứa đấy, lời hứa của 1 thằng đàn ông"
Tình yêu không hề mong manh như tôi nghĩ.
Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013
Cơm hộp tình vợ
Truyện ngắn: TOHINJI GETSUKO (Nhật Bản), VŨ PHONG TẠO dịch
Yukio là một người “chồng nghìn đồng Yên” hiện nay đã hiếm có rồi (tức là những đức ông chồng mỗi ngày chỉ được vợ đưa cho 1.000 đồng Yên để tiêu vặt, hiện tượng này đã thịnh hành một thời ở Nhật Bản).
Buổi sáng hôm nay, vợ không chuẩn bị cơm hộp ăn trưa cho Yukio. Bởi vì tối hôm qua do một chuyện cỏn con mà hai người cãi nhau một trận. Buổi sáng, chẳng nói chẳng rằng một tiếng, vợ ngủ dậy là đi đánh răng rửa mặt, quét dọn nhà cửa. Yukio cũng quật cường không hé răng nói một câu, xách cặp công văn không thèm ngoái đầu lại, ra khỏi cổng nhà, đi làm ngay.
Trên đường đến nhà ga, Yukio bỗng nhớ lại không mang theo một nghìn yên của ngày hôm nay. Anh vội vàng sờ nắn ví tiền, phát hiện có một đồng tiền kim loại mệnh giá 500 yên Nhật. Một nghìn yên Nhật của ngày hôm qua đã tiêu hết sạch rồi, ví tiền lẽ ra phải trống rỗng, xem ra năm trăm yên Nhật này là do vợ đã lén lút để vào.
Thật sự không phải là Yukio đặc biệt muốn làm một “người chồng nghìn yên”. Từ sau khi tài khoản đã dùng mua nhà, chi tiêu của gia đình phải thắt lưng buộc bụng. Thế là, Yukio chủ động đề xuất mỗi ngày chỉ mang theo một nghìn yên tiêu vặt. Đề nghị của Yukio khiến cho vợ anh vô cùng cảm động, vợ anh đề xuất hàng ngày chuẩn bị cơm hộp ăn trưa cho Yukio. Hàng ngày ngồi xe điện sử dụng vé tháng, ngoài khoản ấy, còn có một nghìn yên tiêu vặt, cộng thêm một hộp cơm trưa tự mang theo, cuộc sống ban ngày ở công ty của Yukio cũng coi như cũng tạm ổn.
“Đúng vậy, hôm nay mình chỉ có thể làm một anh ‘chồng năm trăm yên’ rồi!” - Nhớ đến vợ, Yukio không kìm được cơn giận: “Vì cái gia đình này, vìcô, tôi hàng ngày phải chắt bóp bớt ăn bớt tiêu, chịu khổ chịu sở, thế mà cô lại không một chút quan tâm chăm sóc, thông cảm với tôi. Vì một chuyện cỏn con, mà cô đã cắt đứt nguồn kinh tế của tôi. Năm trăm đồng Yên, chỉ có thể ăn một xuất cơm trưa của mình ở nhà ăn của công nhân viên. Hôm nay, tiền hút thuốc lá, tiền uống cà phê thì làm thế nào đây?”
Yukio một tay nắm vòng treo của xe điện, còn tay kia đưa lên sờ nắn túi áo. “Ờ, bao thuốc lá mua hôm qua chỉ còn lại mấy điếu. Mình không hút thuốc thì cũng chẳng hề hấn gì, song nếu hôm nay có khách hàng đến bàn chuyện làm ăn thì thảm hại quá. Nếu như bàn bạc ký hợp đồng mua bán hàng hoá, một giờ rưỡi chắc chưa bàn xong, khẳng định là phải bàn bạc lai rai tại quầy cà phê của đơn vị ở tầng trệt. Nếu như có một nghìn Yên tiền tiêu vặt thì cũng tốt rồi. Cà phê của hai người 300 yên, thuốc lá 200 yên, 500 yên còn lại có thể ăn một xuất cơm trưa. Nhưng, trong ví tiền của mình chỉ có năm trăm yên thôi…”
Trên xe điện, Yukio lâu nay thường xem tiểu thuyết để giết thời gian, hôm nay ôm cặp công văn, vô cùng thiểu não nhìn ra ngoài cửa sổ…
Sự tình sao lại trùng hợp như vậy chứ! Yukio vừa đến công ty, đã trông thấy một vị khách hàng chuẩn bị ký hợp đồng mua hàng đang chờ anh. Chưa kịp hàn huyên mấy lời, khách hàng đã đề xuất ý kiến ra quầy cà phê bàn chuyện lai rai.
Yukio do dự hồi lâu, cuối cùng phải móc thuốc lá trong túi áo ra mời khách hàng. Tâm tình khách hàng hôm nay xem ra rất chi là vui vẻ, cứ chuyện trò thao thao bất tuyệt mãi. Yukio lấy ra hai trăm Yên mua thêm một bao thuốc lá. Trong những vòng tròn khói thuốc lá thơm, Yukio nhanh chóng ký xong hợp đồng với khách hàng. Khi rời khỏi quầy cà phê thanh toán tiền, Yukio trả tiền cà phê, ba trăm cuối cùng tiêu sạch sành sanh rồi.
Thời gian ăn trưa đã đến rồi. Không có đồ ăn, không có thức uống, nhìn vào ví tiền nhẵn như chùi, trước mắt Yukio thấp thoáng xuất hiện hình bóng của vợ. Nổi cơm giận dữ buổi sáng, cộng thêm bụng đói cồn cào, không kìm nén được nữa, Yukio tung chân đá vào chiếc cặp công văn một cái. Trong cặp công văn bỗng lộc cộc lăn ra một hộp cơm. Yukio mừng rỡ chạy lại nhặt chiếc hộp cơm lên. Lạ nhỉ? Cớ sao lại nhẹ thế này? Là hộp trống rỗng! Yukio uể oải quăng chiếc hộp cơm xuống đất. Trong hộp cơm lăn ra một gói giấy nhỏ.
Yukio nghi hoặc lượm gói giấy nhỏ lên, bóc ra xem, bên trong có một đồng tiền kim loại mệnh gia 500 đồng Yên Nhật. Và còn có mảnh giấy trong gói giấy nhỏ viết rằng:
“Bởi vì giận anh, cho nên không chuẩn bị cơm hộp cho anh. Bởi vì, em vẫn còn yêu anh, cho nên gửi cho anh tiền ăn cơm trưa hôm nay!”
Người già, đôi chân già trước.
Tục ngữ có câu: "Người già đôi chân già trước"
Giữ đôi chân tốt chính là mấu chốt phòng bệnh để kéo dài tuổi thọ.
Các chuyên gia nghiên cứu phương pháp tự chữa bệnh cho rằng:
Trên đôi bàn chân có rất nhiều đầu mối thần kinh liên quan đến các tạng phủ. Cho nên dùng tay để chà xát, xoa bóp rất có lợi cho sức khoẻ.
Thí dụ:
- Mu ngón chân út có liên quan đến bàng quang, xát ngón chân út có thể chữa được chứng bí đái, đái són, đái buốt.
- Mu ngón chân thứ hai có liên quan đến dạ dày, xát ngón thứ 2 có thể chữa được chứng chướng bụng, đầy hơi, ợ chua.
- Ngón chân cái có liên quan đến gan, tì, lòng bàn chân có liên quan đến thận.
- Chà xát gan bàn chân có thể chữa được lưng đau, mỏi, ù tai, nghễnh ngãng.
- Ngón thứ tư có liên quan đến gan, xát ngón này có thể chữa được táo bón, lưng vai đau mỏi
Thường xuyên xát gan bàn chân không những làm tăng lưu lượng máu, tăng tính đàn hồi thành mạch máu, mà còn kích thích não bộ trị được chứng nhức đầu, hoa mắt, mất ngủ, mộng mị ..
Người già thường xuyên xát chân còn phòng được chứng tê bì, chân tay giá lạnh.
Phương pháp xát chân cụ thể:
Trước tiên ngâm chân vào nước nóng 15 phút, lau sạch..
Ngồi trên giường hoặc ghế, chân nọ gác lên đầu gối chân kia, một tay xoa gan bàn chân, một tay xoa mu bàn chân, xát đi, xát lại khoảng 200 lần là vừa. Ðổi chân, cũng làm như trên. Xát cho đến khi nóng, người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu là được. Mỗi ngày làm 2 lần vào buổi sáng và tối.
Lợi ích của đi bộ
Ði bộ mỗi ngày 30 phút sẽ đem lại cho bạn những tác dụng không ngờ đối với sức khoẻ thể chất và tinh thần.
1. Tốt cho tim
Một nghiên cứu gần đây đưa ra kết luận, nếu đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hoá (metabolic syndrome) - một nhóm các triệu chứng ban đầu dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, và đột qụy.
Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 24 triệu phụ nữ nước này mắc hội chứng chuyển hoá. Không có thời gian để đi bộ nửa giờ mỗi ngày? Một nghiên cứu ở Anh cho thấy rằng, hoạt động thường xuyên (Kết hợp đi bộ và đi xe đạp) đồng nghĩa với việc giảm 11 % nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đặc biệt là đối với phụ nữ.
2. Loại bỏ nguy cơ mắc ung thư vú
Ði bộ chỉ cần vài giờ mỗi tuần có ý nghĩa đặc biệt trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư vú, (theo công bố trên tờ tạp chí của hội y học Mỹ). Ðồng thời đi bộ làm giảm béo, tăng khả năng sản sinh estrogen. Kết quả của nghiên cứu trên 74.000 phụ nữ ở tuổi mãn kinh (50-79 tuổi) với những người có thể trạng bình thường, nguy cơ mắc ung thư vú giảm đi 30 %, còn những người thừa cân thì chỉ giảm từ 10-20 %. Nghiên cứu trên phụ nữ trẻ hơn cũng đưa đến kết quả tương tự.
3.Giúp ngủ ngon hơn
Ði bộ nhanh vào buổi chiều giúp bạn có được một giấc ngủ ngon hơn (Theo lời khuyên của tổ chức Giấc ngủ Quốc tế). Hơn nữa, nhiều ý kiến còn cho rằng, đi bộ làm tăng lượng hormone serotonin giúp cho bạn được thư giản …
Tuy nhiên bạn đừng nên đi bộ 2 giờ trước khi ngủ vì nó quá muộn để cơ thể nghỉ ngơi trở lại.
4. Làm giảm sự đau nhức cơ thể
Hãy đi bộ và bạn sẽ giảm sự đau nhức cơ thể (Ðó là lời khuyên của các nhà khoa học, đặc biệt là môn đi bộ nhanh (Chiwalking- một ý tưởng kết hợp Thái cực quyền, Yoga và Pilates - một môn thể dục mềm dẻo). Nó giống như việc đi bộ thường xuyên nhưng bởi vì bạn thư giản có ý thức, nó làm cơ thể bạn trở nên cân bằng bao gồm việc vận động cánh tay, làm cho chân không bị stress như khi đi bộ. Kết quả làm giảm đi sự đau nhức. Môn Chiwalking hiện ngày một phổ biến ở Mỹ.
5. Nó làm cho bạn hạnh phúc
Ði bộ có thể làm cho bạn giảm bớt sự buồn chán, lo âu và stress, đó là một hiệu quả mà ít ai ngờ tới. Chỉ cần 30 phút đi bộ sẽ khiến cho tâm trạng của bạn trở nên khá hơn. Theo nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Texas - Mỹ). Bỏ ra 90 phút đi bộ 5 lần mỗi tuần là bạn sẽ có được tâm trạng tốt nhất (nghiên cứu của đại học Temple). Một giải thích được đưa ra: Ði bộ giúp cơ thể sản sinh ra endorphin, một hoá chất làm cải thiện tâm trạng tạo cho bạn cảm giác lạc quan, yêu đời hơn.
6. Giúp làm giảm bớt trọng lượng của cơ thể.
Ði bộ 30 phút mỗi ngày có thể tránh sự tăng cân ở hầu hết những người ít hoạt động tự nhiên. Mặt khác, nếu phụ nữ đi bộ một giờ mỗi ngày và năm lần trong một tuần sẽ tiêu hao 1.500 calo mỗi ngày và giảm khoảng 11 kg cân nặng bị thừa mỗi năm. Việc đi bộ có thể kiểm soát trọng lượng cơ thể của bạn.
7. Duy trì trí nhớ cho người cao tuổi
Một vài nghiên cứu trên nhóm người cao tuổi chỉ ra rằng đi bộ thậm chí chỉ cần 45 phút mỗi tuần sẽ giúp tránh được bệnh Alzheimer. Ði dạo hoặc tản bộ thông thường cũng đồng nghĩa với việc trí não được luyện tập và trở nên minh mẫn hơn ở tầng lớp người cao tuổi.
8. Bảo vệ xương của bạn
Chỉ cần 30 phút đi bộ 3 lần mỗi tuần là cách tuyệt vời để bảo vệ và rèn luyện cho xương của bạn. Giống như một bài tập, khi đi bộ sẽ đòi hỏi người phải sử dụng 95 % hệ cơ, thực tế quá trình này giúp thúc đẩy và khiến cho xương của bạn trở nên khoẻ mạnh và rắn chắc hơn.
Sưu tầm
Còn bao nhiêu năm tháng nữa ? ...Sống thoải mái đi !......
Còn bao nhiêu năm tháng nữa ?
Gởi Các Cụ trên 6 bó mà vẫn còn khỏe mạnh.
Vậy ông bà còn bao nhiêu năm?
Image removed by sender. Gởi Các Bạn trên 60 Tuổi và còn Khỏe mạnh..HÃY DÀNH THỜI GIAN ĐỌC BÀI NÀY Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Bạn thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1 trên 100.000 người). Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 10 năm. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức. Bạn nên tiêu những món cần tiêu,
thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám. Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu. Đừng lo lăng nhiều qúa về con cái vì con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng. Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thể giúp gì bạn. Các con vô tình thì có thể sẽ tranh dành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, và còn
muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng các bất động sản của bạn. Các con của bạn cho rằng chuyện chúng thừa hưởng tài sản của bạn là chuyện dĩ nhiên nhưng bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng. Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? và có bao nhiêu tiền là đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)? Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả ngàn dinh thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm. Vậy chừng nào bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi. Nên
bạn hãy sống cho vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng. Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng bạn hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ... Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì chẳng được gì, mà lại còn làm hại cho sức khỏe bạn... Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú thì bạn thật đã sống hạnh phúc từng ngày. Một ngày qua là một ngày bạn mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn
Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Bạn thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1 trên 100.000 người).
Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức.
(trên 50t mừng từng năm, qua 60t mong hàng tháng, tới 70t đếm mỗi tuần, đến 80t đợi vài ngày, được 90t ...ngơ ngác một mình với giờ phút dài thăm thẳm !)
Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám.
Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu.
Đừng lo lăng nhiều qúa về con cái vì con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.
Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thể giúp gì bạn.
Các con vô tình thì có thể sẽ tranh dành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, và còn muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng các bất động sản của bạn.
Các con của bạn cho rằng chuyện chúng thừa hưởng tài sản của bạn là chuyện dĩ nhiên nhưng bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng.
Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? và có bao nhiêu tiền là đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)?
Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả ngàn dinh thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm.
Vậy chừng nào bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi.
Nên bạn hãy sống cho vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng.
Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng bạn hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ... Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì chẳng được gì, mà lại còn làm hại cho sức khỏe bạn...
Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú thì bạn thật đã sống hạnh phúc từng ngày.
Một ngày qua là một ngày bạn mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn "được".
Khi bạn vui thì bệnh tật sẽ lành; khi bạn hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh sẽ chẳng đến bao giờ.
Với tính khí vui vẻ, với thể thao thể dục thích đáng, thừơng xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đa dạng, uống một thuốc bổ vừa phải, hy vọng rằng bạn sẽ sống thêm 20 hay 30 năm tràn trề sức khỏe.
Và nhất là biết trân qúy những điều tốt đẹp quanh mình và còn BẠN BÈ .nữa.. họ đều làm cho bạn cảm thấy trẻ trung và có người cần đến mình... không có họ chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.!!! Vợ biết chiều chồng , chồng giúp đỡ vợ trong mọi việc nhà và đừng bắt bẻ nhau những khi lỡ lời ......
Xin chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất.
( Xin chia sẻ những điều này với tất cả những người quen của bạn đã trên 60 tuổi hay nhưng người không bao lâu nữa cũng sẽ trên 60)...
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013
LÀNG CỔ PHƯỚC TÍCH
Làng Phước Tích nay được gọi là làng Cổ Phước Tích một điểm tham quan du lịch của huyện Phong Điền ,Thừa Thiên Huế.Một vùng đất địa linh nhân kiệt , Nam thanh nữ tú.đây là làng ngoại của Nớt & Na.. Một làng có nhiều nhà cổ đẹp , lối đi vào nhà đều có 2 hàng rào bằng chè Tàu .Dạo quanh làng mới thấy hết vẽ đẹp của làng cổ từ lối đi đến các lối vào nhà, sân vườn . Mọi cảnh vật ở đây đều đẹp , khung cảnh nên thơ và yên ắng lạ thường..
Nhắp vào hình dưới để xem .
LÀNG CỔ PHƯỚC TÍCH 9/4/2013 |
Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013
Cậu Bé chăn trâu trở thành đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ.
A
Vào thập kỷ 1980, sau khi Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy qua đời, dòng họ Trần Trinh chính thức khánh kiệt, những đứa con của Công tử Bạc Liêu rơi vào nghèo khổ, có người chạy xe ôm.
Vào thập kỷ 1980, sau khi Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy qua đời, dòng họ Trần Trinh chính thức khánh kiệt, những đứa con của Công tử Bạc Liêu rơi vào nghèo khổ, có người chạy xe ôm.
Đúng 100 năm trước đó, dòng họ Trần Trinh cũng khởi đầu nghèo khó, ông Trần Trinh Trạch - ba của Trần Trinh Huy - là một cậu bé chăn trâu...
Bàn thờ vợ chồng Hội đồng Trạch với 2 bức tượng đồng
vẫn còn nguyên trong khách sạn Công tử Bạc Liêu.
Nhờ đâu mà từ một cậu bé chăn trâu để kiếm chén cơm thừa của chủ, Trần Trinh Trạch lại trở thành đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ, để rồi đứa con Trần Trinh Huy có sẵn một núi tiền để ăn chơi vô độ, nổi danh là Công tử Bạc Liêu?
“Đái ra quần” vì phải đi học
Trong lịch sử khai khẩn vùng đất Nam Bộ, những vùng gần sông biển như Gò Công, Mỹ Tho, Rạch Giá, Hà Tiên được khai khẩn từ rất sớm, trước cả thời nhà Nguyễn. Vùng đất Bạc Liêu mới được khai khẩn từ sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Cha mẹ của ông Trần Trinh Trạch có mặt trong đoàn người từ miệt Gò Công tới khai khẩn vùng đất Bạc Liêu, được chính quyền thực dân đưa đến vùng đất Cái Dầy lập nghiệp bên một dòng kinh vừa mới được đào đắp.
Do đông con, hầu hết còn nhỏ, nên ba má ông Trạch không khai khẩn được nhiều ruộng. Rồi dịch bệnh xuất hiện trong vùng, mấy đứa con liên tục bị bệnh hoạn, họ phải đem cầm cố hết ruộng đất để cứu chữa các con, nên trở thành bần cố nông, không mảnh đất cắm dùi. Vừa lớn lên cậu bé Trạch phải đi ở đợ, chăn trâu ở nhà ông bá hộ trong vùng, hằng ngày được lưng bụng bằng vài chén cơm thừa, ấm lòng bằng manh áo rách của con chủ thải ra.
Sau 2 năm chăn trâu, có một việc tình cờ làm thay đổi số phận của cậu bé Trạch. Đó là vào năm 1881, chính quyền thực dân buộc các gia đình bá hộ ở Nam Kỳ phải cho con đi học trường Pháp trong kế hoạch “khai hóa” vùng đất chúng vừa chiếm đóng. Năm ấy cậu bé Trạch lên 8 tuổi, một buổi sáng, khi cậu bé vừa mở cửa chuồng trâu, tháo dây vàm, định dắt trâu ra đồng như mọi khi thì ông bá hộ ngăn lại nói: “Thôi khỏi, mày buộc trâu vô chuồng lại đi, rồi lên nhà trên ông dạy việc”.
Cậu bé Trạch rụt rè làm theo, nghĩ rằng mình đã làm điều gì sai quấy nên chủ mới không cho giữ trâu, kêu lên la rầy hay bị đuổi cũng nên. Cậu bé rón rén bước lên nhà trên, nơi mà suốt 2 năm làm mướn ở đây cậu chưa một lần dám đặt chân lên. Ông bá hộ thấy cậu bé đến thì chìa ngay bộ quần áo mới và nói: “Đây là bộ quần áo may cho mày, đi thay đồ đi!”. Thấy bộ đồ trắng tinh như đồ của các con ông bá hộ mặc hằng ngày, cậu bé Trạch ngạc nhiên đứng chết trân. Ông bá hộ nói: “Từ nay mày khỏi chăn trâu, mà đi học thay cậu Hai!”.
Vợ chồng Công tử Bạc Liêu.
Đến đây, cậu bé Trạch không chỉ đứng chết trân, mà đái ra quần lúc nào không hay. Từ nhỏ tới lớn cậu chỉ biết ở đợ, chăn trâu, một chữ bẻ đôi cũng không đọc được. Còn cậu Hai con ông bá hộ trác tuổi với bé Trạch được học chữ thánh hiền, hằng ngày có thầy đồ tới dạy tận nhà. Bé Trạch quỳ xuống lạy ông bá hộ, vừa khóc: “Ông thương con cho con coi trâu, con không học được đâu ông ơi!”. Thời ấy nhiều người giàu có ở Nam Kỳ tuy buộc phải hợp tác với chính quyền thực dân, nhưng rất ghét Pháp. Họ không muốn cho con đi học trường Pháp, mà ở nhà mời thầy đồ tới dạy học chữ Nho. Để đối phó với chính quyền, ông bá hộ ở Cái Dầy mới nghĩ ra chuyện bắt đứa nhỏ ở đợ, chăn trâu đi học thế. Dù sợ đến đái ra quần, nhưng cậu bé Trạch rồi cũng phải đến trường theo ý chủ.
Ngày hôm sau, cậu bé Trạch được gia nhân chở bằng ghe đi đến trường huyện cách đó mấy chục cây số để đi học, sau khi bị ông bá hộ dọa: “Mày học mà không xong, tao đuổi việc, chết đói đó con”. Cứ tưởng đi học thế một hai ngày, chẳng dè ông bá hộ bắt cậu bé Trạch học hoài, ở nội trú luôn ngoài trường huyện. Sau mấy ngày vừa học vừa run, cậu bé Trạch đã sớm thể hiện mình là đứa bé “sáng dạ”, học giỏi, được các thầy khen ngợi, ông bá hộ cũng lấy làm hài lòng. Cậu bé chăn trâu được học tới hết tiểu học, học cả tiếng Tây. Sự đi học nhờ lý do có một không hai ấy như là sự sắp đặt của số phận, để từ đó mà cậu bé chăn trâu vươn lên trở thành đại điền chủ giàu nhất xứ Nam Kỳ.
Thầy ký Trạch mê làm giàu
Học hết tiểu học, bằng cả chữ quốc ngữ và chữ Tây, Trần Trinh Trạch trở thành một trong số ít người giỏi cả chữ quốc ngữ và chữ Tây trong làng. Nhờ vậy mà ông được gọi ra làm thư ký làng. Từ công việc “biện làng”, thầy ký Trạch được rút lên làm thư ký trên quận, rồi rút lên tỉnh làm ở bộ phận thu thuế điền đất. Đi làm thầy ký, ông Trạch vẫn theo nếp nhà tóc để dài và buộc thành búi, nên mọi người đặt cho ông cái tên là “thầy ký Tó”. Thời ấy năm nào các chủ điền cũng phải lên tỉnh kê khai và đóng thuế ruộng đất, thầy ký Trạch là người luôn tận tình hướng dẫn họ làm việc ấy.
Ngôi nhà của Hội đồng Trạch,
nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu.
Lúc ấy ở Bạc Liêu có ông bá hộ tên Phan Văn Bì có hàng ngàn hécta đất, ông mỗi năm đôi lượt lên tỉnh sao lục sổ bộ đất đai và đóng thuế điền địa. Thấy thầy ký Tó làm việc có trách nhiệm giúp đỡ mình và mọi người nhiệt tình, ông bá hộ Bì có cảm tình. Một lần, bá hộ Bì mời thầy ký Trạch về nhà chơi và dùng cơm trưa. Trong bữa cơm, ông bá hộ cố ý để cho thầy ký Trạch tiếp xúc với cô con gái thứ tư của mình tên là Phan Thị Muồi.
Chuyện gì đến rồi cũng đến, thầy ký độc thân và cô con gái rượu của ông bá hộ giàu nhất làng đã phải lòng nhau. Một đám cưới linh đình kéo dài 3 ngày giữa thầy ký Tó và cô con gái của bá hộ Bì.
Đám cưới xong, ông bá hộ Bì kêu thầy ký Trạch nghỉ làm việc vì lương bổng chẳng bao nhiêu, lại mang tiếng đi làm cho Tây. Ông bá hộ cho vợ chồng thầy ký Trạch mấy sở đất và cho vốn canh tác. Chỉ sau mấy mùa lúa trúng, vợ chồng ông Trạch phất lên thấy rõ, cất nhà đàng hoàng, mua sắm thêm ruộng. Không biết nhờ đâu mà một người xuất thân “bần cố nông” như Trần Trinh Trạch lại có tài năng thiên bẩm và sự đam mê làm giàu hơn người. Có chút chữ nghĩa, từng làm việc nhà nước, nay lại có chút vốn trong tay, thầy ký Trạch đăng ký đấu thầu và đã trúng thầu quản lý sở cầm đồ (Mont de Piété) của nhà nước.
Thời ấy chính quyền thuộc địa không cho tư nhân mở tiệm cầm đồ, mà nhà nước giữ độc quyền, nhờ vậy mà một mình thầy ký Trạch nắm độc quyền hoạt động cầm đồ ở tỉnh Bạc Liêu. Cũng nhờ kinh nghiệm và quen biết từ những năm đi làm thầy ký cho Tây, ông Trạch lại trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu ở Bạc Liêu. Tất cả những thứ đó đã làm cho vợ chồng ông Trạch giàu có, vượt ra ngoài phạm vi của một làng, một huyện. Nhưng chính sáng kiến của ông Trạch trong việc vay tiền Chà Sết-ty trên Sài Gòn về cho dân chúng ở Bạc Liêu vay lại, mới làm cho sự giàu có của ông Trạch bắt đầu được cả tỉnh Bạc Liêu biết đến. Ông vay tiền của nhà nước ở Sài Gòn với lãi suất thấp, đem về Bạc Liêu cho tá điền vay lại “ba phân lời” lấy chênh lệch.
Trong khi vợ chồng ông Trạch ngày càng ăn nên làm ra, thì các đứa con còn lại của ông bá hộ Bì (anh chị em vợ của thầy ký Trạch) lại mê cờ bạc, rượu chè, lâm vào nợ nần, phải bán dần đất để ăn chơi tiếp. Họ không bán cho người ngoài, mỗi khi có chuyện cần tiền là họ chạy tới vợ chồng thầy ký Trạch. Cứ vậy, hàng ngàn hécta ruộng ông bá hộ Bì chia cho cả chục đứa con lần lượt vào tay của vợ chồng đứa con thứ tư. Ông bá hộ Bì tuy có buồn khi các con bán hết đất đai, nhưng cũng tự an ủi vì đất không lọt ra người ngoài, mà vào tay vợ chồng cô Muồi con ông.
Thâu tóm hàng trăm ngàn hécta đất
Độc quyền cầm đồ, độc quyền phân phối rượu, độc quyền cho vay..., gia đình Trần Trinh Trạch phất lên như diều gặp gió. Nhưng chỉ đến khi ông Trạch trúng thầu giành quyền cung cấp muối cho cả Nam Kỳ thì sự giàu lên của ông mới nhanh như phi mã. Có tiền, ông thâu tóm thêm đất đai trong vùng, bằng cả mua bán sòng phẳng và ép buộc những người yếu thế. Cứ thế, đất đai của gia đình Trần Trinh Trạch cứ nới rộng mãi.
Vào thập niên 1930 -1940, ông Trần Trinh Trạch đã sở hữu tổng cộng gần 200.000 hécta ruộng trồng lúa và làm muối ở Bạc Liêu và vùng lân cận. Thời ấy, nếu có ai đề nghị ông Trạch đem cơ ngơi của ông để đổi lấy vùng đất mà ngày nay là nước Singapore giàu có, chắc chắn ông sẽ lắc đầu từ chối. Diện tích đất mà ông Trạch sở hữu vào lúc cực thịnh rộng gấp 3 lần nước Singapore, đất đai ở Bạc Liêu vào thời đó cũng tốt hơn nhiều so với vùng đất ven biển của nước Singapore.
Có tiền, có ruộng đất cò bay thẳng cánh, ông Trần Trinh Trạch cho xây ngôi nhà đẹp nhất miền Tây lúc đó (giờ là khách sạn Công tử Bạc Liêu, thuộc Cty Du lịch Bạc Liêu). Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế, có hai tầng, hai đại sảnh. Toàn bộ vật liệu xây dựng ngôi nhà đều được chở từ Pháp sang, các đồ trang trí bên trong ngôi nhà được nhập cảng từ Ý và Hoa Kỳ. Toàn bộ các đồ sứ, đồ gỗ lại được đưa từ Trung Hoa sang. Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua, căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó.
Năm 2003, Cty Du lịch Bạc Liêu đã đầu tư tu sửa căn nhà và đưa vào kinh doanh văn hóa, du lịch, làm khách sạn “Công Tử Bạc Liêu”. Căn phòng của Công tử Bạc Liêu ở ngày trước (phòng 101) muốn thuê phải đặt trước từ 7-10 ngày, vì phòng này lúc nào cũng có khách, phần đông là Việt kiều. Tuy nhiên do qua nhiều giai đoạn lịch sử mà vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều, nhưng với những gì còn sót lại và được bảo quản như hiện nay cũng đủ nói lên được sự giàu có của gia đình ông Hội đồng Trạch lúc bấy giờ.
Hiện nay, cơ quan có trách nhiệm vẫn còn để một gian thờ vợ chồng ông Trần Trinh Trạch trong khách sạn Công tử Bạc Liêu như là cách người đời sau ghi ơn những người có công xây dựng nên tòa nhà đồ sộ và tuyệt đẹp này. Đó cũng là cách để ngành du lịch Bạc Liêu thu hút du khách. Trên bàn thờ vẫn còn 2 pho tượng đồng bán thân của ông Trạch và vợ, do một nhà điêu khắc từ Thụy Sĩ tên là Bernard chế tác vào năm 1933 vào dịp mừng “đáo tế” ông Hội đồng Trạch. Một tháng trước ngày mừng thọ này, cậu Ba Huy mời hẳn một điêu khắc gia lừng danh bên Thụy Sĩ sang Bạc Liêu để thực hiện 2 bức tượng bán thân kích thước cỡ người thật cho ông bà Hội đồng Trạch. Điêu khắc gia Bernard ở lại Bạc Liêu đúng 1 tuần lễ, làm việc với mỗi “người mẫu” 3 ngày để đo ni tấc, phác họa thần sắc...
Xong, ông mang tất cả về Thụy Sĩ để mấy tháng sau trở lại Bạc Liêu với 2 chiếc thùng gỗ được bảo quản cẩn mật. Cậu Ba Huy đã làm một nghi thức đón nhận 2 bức tượng đồng thật hoành tráng, giống như nghi thức dành cho các danh nhân, nguyên thủ quốc gia, với hàng trăm khách mời là những quan chức trong vùng, những hào chủ có tiếng đến dự tiệc, tất nhiên là có cả cánh nhà báo. Sau diễn văn khai mạc do chính cậu Ba Huy đọc nói về công ơn cha mẹ, ông mời lần lượt ông rồi bà Hội đồng Trạch lên kéo tấm vải điều đỏ thắm phủ bức tượng trong tiếng vỗ tay vang dội của quan khách.
Linh cảm ngày khánh kiệt
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ bên trời Âu, tại An Nam thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp giương lên khẩu hiệu “Rồng Nam phun bạc diệt Đức tặc” để kêu gọi giới điền chủ ủng hộ tiền bạc cho “mẫu quốc” trong cuộc chiến tranh Đức - Pháp. Ông Hội đồng Trạch vốn thừa tiền của đã “mua” chút công danh cho gia tộc bằng cách ủng hộ cho chính quyền Pháp một số tiền khá lớn. Số tiền ấy tương đương với khoảng 10 ngàn lượng vàng lúc bấy giờ (gần 400kg vàng). Chính quyền Pháp sau đó đã “ghi công” ông Trần Trinh Trạch bằng cách “ân thưởng Ngũ đẳng Bội tinh” (Légion d’honneur). Chính quyền thực dân cũng thu xếp cho ông Trạch đắc cử vào Hội đồng Tư vấn Mật viện, nên ông mới có danh xưng “Hội đồng Trạch”.
Suốt cuộc đời ông Trần Trinh Trạch đã dùng bao thủ đoạn để làm giàu, để thu gom hàng trăm ngàn hécta đất đai ở xứ Bạc Liêu và vùng lân cận. Lúc tuổi đã già, ông Trạch như linh cảm hậu vận không mấy sáng sủa của dòng họ Trần Trinh, nên ông quay sang làm từ thiện để “tích đức” lại cho cháu con. Vào các dịp mừng thọ 50 tuổi (1923), 60 tuổi (1933) và 70 tuổi (1943), ông Trạch đều mở hầu bao ra để phân phát tiền của, lúa gạo cho người nghèo. Ông cũng cho xé hết giấy nợ của các tá điền, vì vậy cứ đến dịp mừng thọ của Hội đồng Trạch là cả vùng Bạc Liêu mừng như trẩy hội.
Ông Trạch cũng ủng hộ những khoản tiền lớn để làm từ thiện trên phạm vi cả nước. Một nhà nghiên cứu người Pháp tên là Pierre Procheux đã viết về ông trên một tờ báo Pháp như sau: “Phần lớn các điền chủ lớn ở Nam Kỳ có hành vi giống như các nhà phú thương và ngân hàng Châu Âu thời Trung cổ hay là các đại gia Mỹ thuộc nhóm Big Business tự thấy có nghĩa vụ trích một phần tài sản giúp những kẻ thiếu may mắn đồng thời tham gia công cuộc xây dựng xã hội. Ông Trần Trinh Trạch nổi tiếng nhất về các đóng góp xã hội của ông như xây cất Cư xá Đại học Đông Dương ở Hà Nội và vận động lạc quyên giúp quỹ cứu trợ Pháp quốc”.
Gia tộc Trần Trinh làm lễ thượng thọ cho ông Hội đồng Trạch rất lớn vào năm 1943, như thể họ linh cảm một kết cục sắp xảy ra, mặc dù lúc đó ông Trạch vẫn còn khỏe mạnh. Sau lễ thượng thọ, ông Trạch kêu con trai là Công tử Bạc Liêu Ba Huy đích thân lái chiếc Chevrolet đưa ông đi chơi Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu một chuyến gọi là “dối già”.
Tại Vũng Tàu, một buổi chiều, sau khi tắm biển, ông Trạch trở lên khách sạn và thấy ớn lạnh trong người, rồi sốt cả đêm. Cậu Ba Huy vội lái xe đưa ông về Sài Gòn, nhưng đã không còn kịp, ông tắt thở trên đường đến bệnh viện, thọ 71 tuổi. Đám tang của ông cũng lại là một sự kiện lớn ở Bạc Liêu và cả Nam Kỳ. Tang lễ kéo dài đến 7 ngày với tất cả những nghi thức rườm rà tốn kém nhất mà người ta có thể nghĩ ra. Hàng chục ngàn người đã đi theo xe tang từ Nhà Lớn về xã Cái Dầy chôn cất ông.
Từ một đứa trẻ chăn trâu với hai bàn tay trắng, một chút may mắn và ý chí làm giàu đã đưa ông Trần Trinh Trạch tới tột đỉnh giàu sang, đến khi nằm xuống vẫn là một trong những người giàu nhất Nam Kỳ. Thế nhưng, ông không thể ngờ rằng, cậu con trai mà ông đặt nhiều kỳ vọng và trao cho cả sản nghiệp là Ba Huy sau đó đã tàn phá núi gia sản với tốc độ còn nhanh hơn người cha Hội đồng Trạch trước đó gầy dựng nên. Để đến khi Công tử Bạc Liêu nằm xuống thì núi tài sản không lồ đã vơi đi gần hết. Để rồi đến đời con cháu của Công tử Bạc Liêu, lại quay trở lại sống nghèo khổ như cái thời ông Trạch đi chăn trâu cho người!
Bấy giờ, có nhà báo đã sáng tác bài vè ca tụng Trần Trinh Trạch, được đăng trên báo ở Sài Gòn như sau:
“Đất nhờ người nổi tiếng
Người nhờ đức nên danh
Mừng ông Hội đồng
Tánh thánh thông minh
Tư trời tài trí
Lúc tuổi trẻ ra làm thơ ký
Nơi pháp đình pháp lý làu thông
Đến thời kỳ quản hạt hội đồng
Ra tranh cử một thời luôn ba khóa
Mười hai năm nghị trường ngôn luận khá
Chức hội đồng tư vấn cũng trao ngay
Chuyện lợi dân ích quốc chẳng bao ngày
Bội tinh thưởng Ngũ đẳng tứ tam liên tiếp...”.
|
Thanh Thủy.
Con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Đức kể chuyện!
Con công tử Bạc Liêu nói về siêu đám cưới
Chủ nhật, 18/03/2012 06:37
Xahoi - Trong suốt 300 năm khai mở vùng đất Nam bộ, ai cũng thừa nhận Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là tay ăn chơi nổi tiếng hơn cả với những giai thoại để đời như đốt tiền làm đuốc, mua máy bay đi thăm ruộng, đánh 1 cây bài 30 ngàn đồng Đông Dương...
Nhìn bà Diệu Hiền tính mượn máy bay Bầu Đức để rước dâu, hay đại gia Hà Tĩnh tặng nhà trăm tỉ, con trai công tử Bạc Liêu nói: "Nó giống hình ảnh ông hội đồng Trạch (ông nội của Ba Đức) làm đám rước “khủng” khi con trai là Trần Trinh Huy từ Pháp trở về, rồi giao hết sản nghiệp cho đứa con cưng ấy, để Trần Trinh Huy tha hồ đập phá đến tan tành sản nghiệp..."
Trong suốt 300 năm khai mở vùng đất Nam bộ, ai cũng thừa nhận Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là tay ăn chơi nổi tiếng hơn cả với những giai thoại để đời như đốt tiền làm đuốc, mua máy bay đi thăm ruộng, đánh 1 cây bài 30 ngàn đồng Đông Dương... Ông ăn chơi tới nỗi hàng trăm ngàn hecta ruộng của cha để lại cứ lần lượt không cánh mà bay. Để đến đời con của Công tử Bạc Liêu phải rơi vào nghèo khổ, sống bằng nghề chạy xe ôm.
Thế nhưng, nếu Công tử Bạc Liêu sống dậy, ắt phải ngã mũ chào thua những kẻ hậu sinh ở đất Bạc Liêu với những ván cờ tiền tỉ, đám cưới siêu xe hay tặng nhà trăm tỉ của những đại gia mới nổi. Đến cả con trai Công tử Bạc Liêu, ông Trần Trinh Đức, cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những thú chơi "siêu ngông" của các đại thiếu gia đất miền Tây.
Ba Đức bên ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu ngày trước, nay là Khách sạn Công Tử Bạc Liêu
Thích đi máy bay thì bỏ tiền ra mua, chứ không mượn
Hiện ở xứ Bạc Liêu chỉ còn một người con duy nhất của Công tử Bạc Liêu, đó là Trần Trinh Đức, còn gọi là Ba Đức, năm nay 65 tuổi. Cũng giống như cha, khi lớn lên Ba Đức cũng ăn chơi phóng túng, để rồi khi gia sản của gia tộc Trần Trinh tiêu tan hết, ông phải sống nghèo khổ bằng nghề chạy xe ôm ở TP.HCM.
Năm 2010, Ba Đức về Bạc Liêu dự giỗ cha là Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy được Công ty Du lịch Bạc Liêu tổ chức trong ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu ngày trước. Ba Đức gặp một chủ doanh nghiệp thành đạt và có lời khuyên ông nên trở về quê hương.
Ba Đức cùng vợ con rời TPHCM trở về Bạc Liêu nhưng ông không sống trong ngôi biệt thự của Công tử Bạc Liêu ngày trước (vì nó đã bị “quốc hữu hóa” từ trước ngày miền Nam giải phóng), mà tá túc trong căn hộ tập thể trong hẻm sâu để sống trong khi chờ đợi “xin nhà” và tìm công ăn việc làm.
Gần đây, Ba Đức đã được một doanh nghiệp bố trí làm quản lý, hướng dẫn du khách tham quan và được trả lương. Ba Đức đang có ý tưởng xây phủ thờ và nơi trưng bày về Công tử Bạc Liêu, vừa phục vụ du lịch, vừa làm nơi sinh sống của gia đình Ba Đức.
Ba Đức cũng từng mê bài bạc giống như cha mình, nhưng nay đã khánh kiệt, ông cũng từ giã luôn bài bạc. Thế nhưng, Ba Đức vẫn giữ thói quen đánh cờ tướng, thỉnh thoảng ông lại ngồi đánh cờ với bạn bè, chỉ là cho vui thôi. Ông chơi cờ khá hay, mà nhậu thì cũng “cứng cựa” dù ông không còn trẻ.
Nói về những ván cờ bạc tỉ của các “quan” giao thông ở Sóc Trăng, Ba Đức nói: “So với cha tôi ngày xưa, mấy ổng bây giờ đánh bạc (bằng hình thức chơi cờ) còn dữ hơn. Hồi đó cha tôi đặt cây bài cao nhất là khoảng 1,5 tỉ tiền bây giờ, còn mấy ổng dám chơi mỗi ván bài 5 tỉ”.
“Nhưng mà hồi xưa tiền bạc cha tôi chơi cờ là minh bạch, rõ ràng. Đó là tiền ông nội tôi để lại, cha tôi tiêu xài vô độ nên tụi tôi mới nghèo như ngày nay. Còn bây giờ, mấy ổng lấy đâu ra tiền mà cờ bạc ăn thua còn lớn hơn cha tôi thời trước!”, Ba Đức nói.
Theo ông Ba Đức, ngày xưa Công tử Bạc Liêu chỉ thi thoảng mới vào sòng bạc, đánh vài ba cây bài cho ra hồn, ăn thua gì cũng nghỉ để đi chơi chuyện khác. Còn các “kỳ thủ” ở Sóc Trăng ngày nay quanh năm suốt tháng vùi đầu vào bàn cờ để tiền tỉ tự hành xác.
Với nữa, ngày trước Công tử Bạc Liêu ăn thua gì cũng vui vẻ, chung tiền sòng phẳng, đầy đủ, chứ không “được làm vua, thua làm giặc” như những con bạc hậu sinh ở vùng đất Bạc Liêu ngày nay!
Gần đây trên tỉnh Hậu Giang (địa phận đất Bạc Liêu xưa), mới “xuất đầu lộ diện” một “đại gia” có cách chơi na ná giống Công tử Bạc Liêu ngày trước, mà là “Công tử Bạc Liêu tóc dài”.
Kiểu chơi “không đụng hàng” của bà Diệu Hiền (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An) như làm đám cưới “khủng” cho con mình với dàn “siêu xe”, định mượn cả máy bay của Bầu Dức để đón dâu... khiến Ba Đức cũng phải nể phục.
Công tử Bạc Liêu ngày xưa không bao giờ mượn ai thứ gì, thích đi máy bay thì bỏ tiền ra mua, chứ không như bà Diệu Hiền tính chuyện mượn máy bay bầu Đức, Ba Đức kể.
Nhắc về chuyện “đại gia” ở Hà Tĩnh dám bỏ ra mấy chục tỉ để làm đám cưới cho con, còn tặng nhà 130 tỉ đồng. Ông Ba Đức nói, sao nó giống hình ảnh ông hội đồng Trạch (ông nội của Ba Đức) làm đám rước “khủng” khi con trai là Trần Trinh Huy từ Pháp trở về, rồi giao hết sản nghiệp cho đứa con cưng ấy, để Trần Trinh Huy tha hồ đập phá đến tan tành sản nghiệp...
Con trai công tử Bạc Liêu cũng choáng
Khoảng 70 năm sau cái ngày Công tử Bạc Liêu đánh cây bài “khủng” trị giá 30 ngàn đồng Đông Dương, các hậu duệ ở Bạc Liêu còn dám chơi trội hơn bậc tiền bối, khi liên tục đánh những ván cờ bạc tỉ, trong đó có ván cờ ăn thua 5 tỉ đồng.
Sau khi cơ quan công an, công bố kết luận điều tra đã khiến dư luận bị choáng với số tiền ăn thua của các quan Sóc Trăng lên đến gần 40 tỉ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi: các “quan” giao thông này lấy đâu ra tiền mà chơi mỗi ván cờ ăn thua tiền tỉ. Và cứ đánh cờ ăn thua tiền tỉ như thế, các ông lấy đâu ra thời gian, tâm trí để làm việc, để hoàn thành “trọng trách”?
Còn Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy, còn gọi là Ba Huy. Được sinh ra trên “đống vàng” của cụ thân sinh để lại là ông hội đồng Trần Trinh Trạch. Ba Huy thỏa sức ăn chơi, đến cả dân chơi Nam Kỳ cũng phải bái phục.
Cứ Vua Bảo Đại có gì là Ba Huy có ấy, kể cả xe hơi đời mới, máy bay. Giai thoại “đốt tiền nấu chè đậu xanh” chính là giai thoại bất hủ của “công tử Bạc Liêu”.
Sẵn tiền, Ba Huy càng ăn chơi bạo hơn, cờ bạc không tiếc tay. Bạo lắm lúc bấy giờ Ba Huy cũng mới đặt tới 1 cây bài “khủng” lên đến 30.000 đồng Đông Dương (thời giá bây giờ khoảng 1,5 tỉ đồng) để lấy lòng người đẹp gốc Trà Vinh.
Khi Ba Huy đặt xấp tiền tất cả con bạc và người tài phán đều phải sững sờ không dám quyết định mà phải báo lại cho chủ sòng bạc.
Ông chủ sòng bạc, sau một hồi đắn đo, mới quyết định chấp nhận cây bài của Ba Huy. Bài giở lên, Ba Huy thua 30.000 đồng, nhưng ông vẫn bình thản đứng dậy mời cô Ba Trà qua nhà hàng dùng bữa chiều.
Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013
CHUYỆN BÌNH THƯỜNG
Tôi có một ông bạn hiện ở Sài
Gòn, vùng Tân Định. Chúng tôi thường liên lạc với nhau bằng email, dĩ nhiên là
những trao đổi đã được " cân nhắc " kỹ để tránh " đụng chạm phiền phức ".
Gần đây, tôi gởi ông ta tấm
hình nầy, lượm trên internet :
Và hỏi ổng nghĩ sao ? Ổng trả
lời :
- Ồ ! …Khoá xe vào chân để yên tâm ngủ trưa cho … ngon lành là chuyện bình thường ở xứ nầy, đâu có gì lạ ! Bồ coi, như tôi bây giờ, trên xe đạp lúc nào cũng có ba ( 3 ) cái khoá : một cái để khoá bánh trước vô sườn xe, một cái để khoá bánh sau vô sườn xe, còn cái thứ ba là để khoá sườn xe vô cột điện. Vậy là an toàn ! Không làm vậy, nghĩa là chỉ khoá một bánh xe vô cột điện là chúng nó tháo lấy bánh xe còn lại, có khi lấy luôn cái sườn xe nữa ! Chuyện bình thường mà bồ ! Có gan, bồ về đây chơi sẽ thấy toàn là chuyện bình thường hết !
- Ồ ! …Khoá xe vào chân để yên tâm ngủ trưa cho … ngon lành là chuyện bình thường ở xứ nầy, đâu có gì lạ ! Bồ coi, như tôi bây giờ, trên xe đạp lúc nào cũng có ba ( 3 ) cái khoá : một cái để khoá bánh trước vô sườn xe, một cái để khoá bánh sau vô sườn xe, còn cái thứ ba là để khoá sườn xe vô cột điện. Vậy là an toàn ! Không làm vậy, nghĩa là chỉ khoá một bánh xe vô cột điện là chúng nó tháo lấy bánh xe còn lại, có khi lấy luôn cái sườn xe nữa ! Chuyện bình thường mà bồ ! Có gan, bồ về đây chơi sẽ thấy toàn là chuyện bình thường hết !
Ở cuối email, ổng viết một câu
làm tôi thật xúc động :
- Chỉ có bọn nầy, vì sống quen trong cái " môi trường bình thường " đó, là có thể đã trở thành … bất bình thường thôi ! Mình biến thành " bất bình thường " mà mình không biết ! Đó, cũng là " chuyện bình thường " , bồ à !
Đọc đến đó, tôi nghe thương ông bạn của tôi vô cùng : ổng đã nén cái đau của ổng để khỏi thốt ra một lời than cho thân phận !
Thời gian sau, ổng gởi tôi một tấm hình trong email ổng viết :
- Tấm hình nầy chụp ở Ấn Độ . Người chủ xe đạp cởi đôi dép da để vào chùa lạy Phật , sợ mất dép nên … khoá đôi dép vào bánh xe đạp ! Đó là chuyện bình thường ở Ấn Độ. Nếu là ở xứ mình, làm như vậy là " bất bình thường ", bởi vì chuyện bình thường ở đây là khi thằng cha đó lạy Phật xong bước ra sẽ không còn thấy xe đạp và đôi dép da nữa !
Rồi ổng kết : " Bồ thấy không ? Chuyện bình thường ở mỗi xứ mỗi khác ! Ở xứ mình cái khác đó rất … độc đáo cho nên nhiều khách du lịch, sau khi biết Việt Nam, đã nói Việt Nam không giống ai hết !
Đây là hình ổng gởi :
- Chỉ có bọn nầy, vì sống quen trong cái " môi trường bình thường " đó, là có thể đã trở thành … bất bình thường thôi ! Mình biến thành " bất bình thường " mà mình không biết ! Đó, cũng là " chuyện bình thường " , bồ à !
Đọc đến đó, tôi nghe thương ông bạn của tôi vô cùng : ổng đã nén cái đau của ổng để khỏi thốt ra một lời than cho thân phận !
Thời gian sau, ổng gởi tôi một tấm hình trong email ổng viết :
- Tấm hình nầy chụp ở Ấn Độ . Người chủ xe đạp cởi đôi dép da để vào chùa lạy Phật , sợ mất dép nên … khoá đôi dép vào bánh xe đạp ! Đó là chuyện bình thường ở Ấn Độ. Nếu là ở xứ mình, làm như vậy là " bất bình thường ", bởi vì chuyện bình thường ở đây là khi thằng cha đó lạy Phật xong bước ra sẽ không còn thấy xe đạp và đôi dép da nữa !
Rồi ổng kết : " Bồ thấy không ? Chuyện bình thường ở mỗi xứ mỗi khác ! Ở xứ mình cái khác đó rất … độc đáo cho nên nhiều khách du lịch, sau khi biết Việt Nam, đã nói Việt Nam không giống ai hết !
Đây là hình ổng gởi :
Ông bạn tôi " khơi " chuyện
bình thường làm tôi nhớ lại những hình ảnh lâu nay tôi thấy trên internet mà vẫn
tự hỏi : " Sao có thể như vậy được ? ". Thì ra ở quê hương tôi " Nó đã như vậy
được " nên mới gọi là " Chuyện bình thường "
!
Đây : hãy coi Sài Gòn cứ sau
cơn mưa " hơi lớn hơi lâu " là ngập lụt . Mà loại " mưa hơi lớn hơi lâu " tới
mùa là … có mặt " liền tù tỳ ", nghĩa là thành phố cứ nay ngập mai lụt dài dài
.
Vậy mà
chẳng thấy dân chúng đi biểu tình đòi hỏi chánh quyền phải " khai thông " cống
rãnh ! Rối thì cứ tự nhiên lội nước đi sanh hoạt, đem lưới ra lưới cá giữa lòng
đường y như ngoài sông rạch, còn trên đầu vẫn có biểu ngữ " Có nước sạch là có
sức khoẻ ", đám cưới vẫn rước dâu bằng xe ba bánh, có ướt chút chút cũng không
sao – ngày lành tháng tốt mà ! - Riết rồi trở thành " Chuyện bình thường ",
chẳng có gì phải bận tâm hết !
Tiểu Tử
Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013
VỀ " n BÀI THƠ NGẮN "
Nhà thơ Đinh Tấn Phước thăm chùa Thiên Ân , Quảng Ngãi hè 2013.
GS. Trường Lưu *
... Qua " n Bài Thơ Ngắn " của Đinh Tấn Phước (Nxb Văn Học, 2012) , ta bắt gặp một kiểu cấu trúc tân kỳ mang tính thể nghiệm, và tiếp xúc một tâm hồn thơ phóng khoáng : thoát ly mọi ràng buộc của cảm xúc sáo mòn trong một khung cảnh chật hẹp. Tác giả vừa làm nghệ thuật ngôn từ trong những bài thơ ngắn đến mức vượt giới hạn cô đúc, vừa phi lộ: "nội dung có thể nằmhoặckhông ở những câu chữ". Không hẳn tác giả đưa triết lý toán vào thơ như có người đã cảm nhận, song nếu không có toán học trong con người thi sĩ Đinh Tấn Phước thì vị tất đã xuất hiện " n Bài Thơ Ngắn "!
Thơ vốn không phải bao giờ cũng biểu hiện cái cụ thể. Cái không cụ thể trong tình ý sâu xa ở đây, gắn với ý niệm ngắn của bài thơ, câu thơ, lặn sâu vào những câu chữ tưởng chừng mông lung và hư ảo, tạo nên hình tượng và dáng vẻ thơ độc đáo. Phong cách thơ Đinh Tấn Phước bắt đầu từ đấy.
Những cái có vẻ mới và lạ trong " n Bài Thơ Ngắn ", tuy không ngoại lệ song cũng không là thông lệ. Thơ là " lĩnh vực của vô cùng" cho mọi ý tưởng sáng tạo. Trong thời đại văn minh trí tuệ như hiện nay, thơ càng tiến xa vào nhiều vùng tìm tòi, khám phá. Đi trong thời đại ấy, Đinh Tấn Phước từ " Chạm Bóng " (Nxb Văn học, 2009) đến " n Bài Thơ Ngắn " đã góp tiếng nói có phong vị và hương sắc riêng vào nền thơ Việt Nam.
(*): Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá
Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013
7 BÀI HỌC CỦA ĐẠT LAI LẠT MA
Đọc để suy ngẫm
Học mãi vẫn chưa thuộc!
Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được!
Thứ nhất, “học nhận lỗi”.
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Thứ hai, “học nhu hòa”.
Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
Thứ ba, ” học nhẫn nhục”.
Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
Thứ tư, “học thấu hiểu”.
Không thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Thứ năm, “học buông bỏ”.
Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề, không tự tại một chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
Thứ sáu, “học cảm động”.
Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói, làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ bảy, “học sinh tồn”.
Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.( Đạt Lai Lạt Ma)
Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013
HÃY BIẾT QUÝ TRỌNG TỪNG PHÚT GIÂY MÀ BẠN CÓ.
Có một ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD.
Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác.
Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư... còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.
Bạn sẽ phải làm gì ? Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên !
Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy.
Tên ngân hàng là THỜI GIAN.
Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây.
Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất, thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt.
Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản.
Cũng không cho phép bạn bội chi.
Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn.
Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày.
Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn.
Không có chuyện quay lại ngày hôm qua.
Không có chuyện tiêu trước cho “ngày mai”
Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngày hôm nay.
Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó,
để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất !
Đồng hồ vẫn đang chạy. Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay.
Để biết được giá trị của MỘT NĂM,
hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp.
Để biết được giá trị của MỘT THÁNG,
hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để biết được giá trị của MỘT TUẦN,
hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo.
Để biết được giá trị của MỘT GIỜ,
hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau.
Để biết được giá trị của MỘT PHÚT,
hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu.
Để biết được giá trị của MỘT GIÂY,
hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn.
Để biết được giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY,
hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic.
Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có !
Và hãy nên quý thời gian hơn nữa bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn, đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn.
Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả.
Ngày hôm qua đã là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn.
Hôm nay là quà tặng. Cũng vì vậy mà nó được gọi là PRESENT !
(có nghĩa là HIỆN TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG ).-ST
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)