Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

ĐÂY THÔN VỸ DẠ


Đây thôn Vỹ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên ,

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ,

Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa ,

Áo em trắng quá nhìn không ra...
 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?
 
                                                                   Hàn Mặc Tử
 


Hoàn cảnh sáng tác

Đây thôn Vỹ Dạ, lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vỹ Dạ. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vỹ Dạ  .
GS. Nguyễn Đăng Mạnh cho biết: Hồi làm nhân viên ở sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có thầm yêu trộm nhớ đơn phương một cô gái người Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ sở. Một thời gian sau, nhà thơ vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì cô gái đã theo gia đình về Vỹ Dạ (Huế). Một buổi kia, cô Cúc do sự gợi ý của một người em thúc bá, bạn của Hàn Mặc Tử, gửi vào cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp một phong cảnh sông nước có thuyền và bến, kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đã mắc hiểm nghèo (bệnh phong).
Lời thăm hỏi không ký tên, nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích thích trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn Mặc Tử .
Theo Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ Hàn Mặc Tử, thì: Năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ gửi ra Huế cho Hoàng Cúc
ST
 Thôn Vỹ Dạ
 
Trước đây, Vỹ Dạ là một địa danh nên thơ, một làng nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ, vùng quê hương sản sinh ra nhiều văn nhân, thi sĩ và nghệ sĩ tài hoa, đã từng là đề tài sáng tác cho các thi nhân khắp nước.
Làng Vỹ Dạ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Từ Đập Đá đi xuống làng Vỹ Dạ, phía bên phải là đồng lúa phì nhiêu, bờ tre xanh ngắt. Đến mùa lúa chín, cánh đồng trông như những đợt sóng vàng, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời mỗi khi có gió nhẹ lướt qua. Phía bên trái là dòng sông Hương dịu dàng, nước trong xanh, bên kia sông là Cồn Hến.
Về nguồn gốc thôn Vỹ Dạ, trong cuốn “Ô Châu Cận Lục” xuất bản năm 1555 của Dương Văn An có ghi: Huyện Kim Trà (sau này chúa Nguyễn Hoàng đổi lại là huyện Hương Trà) gồm có 60 xã, xã thứ 60 là xã Vỹ Dạ. Nguồn gốc địa danh Vỹ Dạ do hai chữ Vy Dã đọc trại ra. Về ý nghĩa, Vy là lau lách. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
 
Gió chiều như gợi cơn sầu
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
Dã là đồng nội, là cánh đồng. Thơ cổ có câu:
Cuộc thế mịt mù trong dã mã.
Vy Dã có nghĩa là cánh đồng lau lách.
Làng Vỹ Dạ có nhiều gia đình tộc Nguyễn Phước tức là gia đình dòng dõi vua chúa và cũng là họ ngoại của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Trải dài hơn 1 cây số hai bên đường Thuận An từ Đập Đá qua khỏi Chợ Mới thì tới phường Tây Thượng, đó là nơi cư ngụ của những gia đình tộc Nguyễn Khoa. Mỗi nhà là một biệt thự, có cây cảnh, hòn non bộ, vườn nuôi thú vật, chim chóc, trông rất đẹp mắt. Vỹ Dạ có đình làng, chợ, rạp hát, trường Thế Dạ, nhà thờ Tuy Lý Vương, thường gọi là phủ Ba Cửa, chùa Phước Huệ. Phía trên Vỹ Dạ là Đập Đá dùng để ngăn nước mặn từ sông Hương không cho chảy qua sông Như Ý thuộc làng Thọ Lộc làm hại cho ruộng lúa và cũng để cho việc giao thông với quận Phú Vang được dễ dàng. Phía dưới Vỹ Dạ là chợ Gia Lạc và chùa Ba La Mật. Chùa Ba La Mật cảnh trí thật đẹp, thiện nam tín nữ đến lễ chùa rất đông. Chùa này do cụ Nguyễn Khoa Luận, Bố Chánh Thanh Hóa xây dựng. Ông treo ấn từ quan, xuống tóc đi tu, sau trở thành Viên Giác Đại Sư.



Chữ Ba La Mật còn in dấu
Bóng mặt trời soi tỏ bấy nay.
(Ưng Bình Thúc Giạ)
Vỹ Dạ có phong cảnh nên thơ, có dòng sông xanh, có những thiếu nữ thướt tha duyên dáng, những chàng trai phong nhã, đa tình và là đề tài cảm hứng cho các thi nhân.


 


Vỹ Dạ có phong cảnh nên thơ, có dòng sông xanh, có những thiếu nữ thướt tha duyên dáng, những chàng trai phong nhã, đa tình và là đề tài cảm hứng cho các thi nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét