KỈ NIỆM THỜI ĐI HỌC Ở QUẢNG TRỊ
Một khúc sông Ô Lâu .
Thời thơ ấu
Làng Câu Nhi, làng ngoại của tôi nằm bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng. Tuổi thơ của tôi là những buổi sáng ra đồng bắt dế, buổi trưa hè tắm sông, buổi chiều đá banh giấy và nhiều trò chơi tuổi nhỏ theo mùa đã in đậm trong tâm hồn non nớt của tôi cho đến giờ. Đó mãi là những kỉ niệm hồn nhiên - vô tư và là kỉ niệm đẹp nhất trong đời ở làng Câu Nhi, một làng nhỏ ở phía nam của huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Nơi đó mẹ tôi đã nuôi dưỡng anh em chúng tôi thời thơ ấu và biết bao nghĩa tình làng nước đã cưu mang chúng tôi, để sau này khi trưởng thành, chúng tôi không bao giờ quên và luôn tự hào về làng Câu Nhi, làng ngoại của tôi.
Vào Trung học Nguyễn Hoàng.
Năm 1964 từ giã trường làng là trường tiểu học Câu Nhi, tôi đậu vào đệ thất trường Trung học Nguyễn Hoàng - một trường lớn nhất, danh giá nhất của tỉnh Quảng Trị. Cùng lúc đó có Lê Chí Dũng, Bùi Ngọc Ngữ, Lê Chí Nghi, Nguyễn Cữ. Hồi đó, khóa chúng tôi có năm lớp đệ thất, tôi được phân vào học lớp thất 4, Dũng & Ngữ học thất 5. Chỉ có lớp thất 5 học sinh ngữ là Pháp văn còn các lớp khác học Anh Văn.
Đường từ nhà ra tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng hơn 20 km. Mỗi đầu và cuối tuần, chúng tôi đi bộ qua làng Lương Điền ra cua Hà Lộc hơn 2km để đón xe đò từ Huế ra Quảng Trị. Những buổi chiều cuối tuần, chúng tôi rủ nhau cùng đi chung xe về làng lòng rộn niềm vui không tả được. Khóa trước tôi có Nguyễn Khắc Long nay là chồng của Lê Thị Ngọc Thúy (Chị ruột của Lê Chí Dũng), Bùi Ngọc Bửu (anh của Bùi Ngọc Ngữ), Lê Thanh Hùng (đã mất), Bùi Văn Sử, Phạm Hữu Nà, Phạm Hữu Hiếu, Hoàng Thị Liên…. Tôi không nhớ hết vì hồi đó học trò làng Câu Nhi học rất giỏi hàng năm đậu vào đệ thất Nguyễn Hoàng rất nhiều.Kỳ thi vào đệ thất của khóa chúng tôi có hai học sinh rất thông minh đã vinh dự đỗ hàng đầu đó là:
1. Thủ khoa Lê văn Xuân người làng Nại Cửu huyện Triệu Phong.Sau này là bạn rất thân và học cùng lớp thất 4 với tôi. Rời Trung học Nguyễn Hoàng, Xuân đậu vào trường Y Sài Gòn , ra trường là một bác sĩ giỏi - Trưởng khoa giải phẩu bệnh lí của Trung tâm Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, sau năm 2003 Xuân theo diện đoàn tụ gia đình sang Mỹ cũng hành nghề y.
2. Á Khoa Lê Chí Dũng người làng Câu Nhi học chung trường làng tiểu học Câu Nhi với tôi. Cũng như Xuân, rời trung học Nguyễn Hoàng, Dũng đậu vào trường Y Sài Gòn, ra trường dạy ở trường Đại học Y Dược và làm ở các bệnh viện Hồ Chí Minh. Nay là Thầy Thuốc Nhân Dân,Phó Giáo sư ,Tiến sĩ, bác sĩ giỏi, trưởng khoa ở Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh.
Ở trọ
Tôi có duyên với làng Cu Hoan. Thuở nhỏ vào mùa hè tôi thường cùng mẹ ra thăm bà nội ở làng Thi Ông, xã Hải Vĩnh huyện Hải Lăng. Để quãng đường ngắn hơn, tôi và mẹ đi đường tắt qua rú giữa làng Cu Hoan và Thi Ông. Rú gồm những độn cát trắng và các cây mọc hoang không cao và thưa thớt. Tôi rất thú vị mỗi lần qua rú được hái các trái bưởi rừng để ăn, trái đẻ để chơi vụ. Và được chạy, trượt, nô đùa trên các đồi cát trắng.
Năm 1964 tôi vào học đệ thất, và anh ruột là Võ Đình Kỳ học đệ tứ (đã mất do chiến tranh năm 1965) ở trọ nhà bác Lê Lội người làng Cu Hoan xã Hải Thiện. Nhà bác Lội có sáu người con: hai con trai là: anh Hiền (đã mất), anh Lê Liên dạy vẽ ở trường trung học Nguyễn Hoàng sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật ở Huế, nay thầy Liên đang ở thành phồ HCM. Bốn chị gái đó là chị Thỉ (đã mất), chị Cúc, chị Gái chị, chị Em (đã mất). Và sau này lên lớp đệ tam tôi có nhiều bạn thân cũng là người làng Cu Hoan như Lê Gai, Lê Hường, Lê Văn Pháp, Đỗ Quyền.
Nhà bác Lội ở 12 Trần Cao Vân sau lưng rạp Đại Chúng Quảng Trị. Bác có nấu cơm tháng thêm cho Anh Lê Văn Cường công chức tỉnh Quảng Trị, anh Đặng Bá Láo làm cảnh sát. Tôi còn nhớ như in, thỉnh thoảng có những trưa bụng đói meo vì phải chờ hai anh về để cùng ăn, do buổi sáng tôi chỉ ăn nửa ổ mì xíu. Hồi đó một mình mẹ tôi dạy ở trường tiểu học Câu Nhi để nuôi bốn anh em chúng tôi ăn học nên chúng tôi phải tiết kiệm.
Nhà bác Lội có cho thuê bàn bida lổ, thỉnh thoảng thiếu tay tôi được so cơ với khách, nếu thắng thì khách sẽ trả tiền bàn còn không thì bác Lội trắng tay. Thường thì tôi thắng nhiều hơn thua. Bàn cũng là nơi tôi ngủ. Do nhà chật nên thiếu chổ ngủ, thỉnh thoảng tôi qua nhà của Điệp và nhà Cu Anh, Cu Em để ngủ. Một kỉ niệm với Điệp là do bồng bột, thiếu suy nghĩ tôi đã chịu cho Điệp vẽ lên tay và xăm hình con cọp, xăm đến đâu thì mực xạ theo kim thấm sâu vào thịt đến đó và vĩnh viễn theo tôi cho đến giờ, nó cũng gây hiểu lầm cho nhiều người. Nay Điệp đã không còn nữa (mất do tai nạn xe năm 1972 ở Đà Nẵng).
Xóm trọ của tôi có nhà của thầy Thái Mộng Hùng hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Hoàng thời đó, có thầy Lê văn Quýt (nay còn thượng thọ ở Hàm Tân) nhà ở trong hẻm của đường, gần bến xe có nhà của thầy Hoàng Văn Liệu dạy Lý Hóa lớp 12B2 của chúng tôi niên khóa 1970 – 1971, thời gian sau làm hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Hoàng. Bên kia đường có nhà nấu cơm tháng cho các thầy dạy ở trung học Nguyễn Hoàng như thầy Sét, thầy Sấm…
Bạn thân
Cho đến giờ chúng tôi vẫn tự hào là thời trung học chúng tôi vừa học vừa chơi mà vẫn thi đậu bán phần, toàn phần ban B mặc dù hồi đó tỉ lệ đậu rất thấp, khoảng 20-30% và tiếp tục đậu vào các trường đại học danh giá thời đó như trường Y, trường Sư phạm. Có lẽ do tính tự học và do thiên chất của mỗi chúng tôi tốt nên việc học cũng không khó khăn, chúng tôi không biết đến học hè hay học tư. Đó là sự khác biệt thời của chúng tôi và học sinh ngày nay.
Hồi ở thất 4-tứ 4 chúng tôi 3 đứa chơi thân: đó là Lê Văn Xuân, Lê văn Tuấn và tôi. Ngoài giờ học ra chúng tôi chơi bóng bàn, bida, bóng rổ, học võ.
Đội bóng rổ của chúng tôi được đặt tên là đội bóng rổ Duy Tân. Chúng tôi rất mê chơi bóng rổ. Những ngày nghỉ chúng tôi chơi suốt. Xuân chơi rất hay. Tôi còn nhớ những cú nhảy lắc mình uốn éo của Xuân cho những cú lên lưới sát rổ, những đường đi banh khôn ngoan của Bình chuột (biệt danh chúng tôi đặt cho Hồ Sĩ Bình, cậu ruột của Xuân, nay là nhà văn ở Đà Nẵng). Đội banh chúng tôi có Trịnh Văn Báu (lớp trưởng của tôi) to con, ném rổ từ xa hay, những Chung trâu nước hay càn lướt, Tuấn mít cũng càn lướt không kém. Gia cũng là một tay ném banh từ xa rất hay. Ngoài ra còn Lê Sáng học Tứ 3 ở thôn đệ tứ, to con chơi cũng tốt. Chung Trí Bưu cũng trong đội bóng của chúng tôi. Ngoài ra còn một số bạn chơi nữa mà tôi không nhớ hết. Đội bóng chúng tôi cũng là đội bóng rổ của trường trung học Nguyễn Hoàng, thời đó đã có lần vô địch tỉnh mới oai chứ.
Chúng tôi thường chơi bóng bàn ở bàn của Hỷ học chung lớp với tôi. Trong nhóm, tôi là đứa chơi bóng bàn hay nhất, năm lớp đệ tứ tôi đoạt chức vô địch thiếu niên bóng bàn tỉnh. Thỉnh thoảng tôi cũng vào đánh bàn của trường, thầy Tý đánh bóng bàn hay có cú đánh trái tay nửa bàn cũng gây khó chịu cho đối phương. Cũng nhờ môn bóng bàn mà sau này chuyển vào Gò Công dạy học tôi có chơi bóng bàn một thời gian và sau chuyển qua chơi Tennis, một môn chơi gần với bóng bàn, cho đến giờ là môn tôi chơi để rèn luyện sức khỏe.
Ở Quảng Trị có bàn bida ông Hào ở ngả tư Quang Trung - Hồ Đắc Hanh, bàn bida của ông Mười sát ngả ba rạp Đại Chúng,sau lưng là nhà của bác Trợ Triễn ba của ca sỹ Duy Khánh,. Nơi đây có bàn tốt, phía trước có bán chè, và đặc biệt là món bún khô ngon nổi tiếng ở Quảng Trị thời đó mà tôi rất thích, nhưng rất ít khi được ăn lí do là tiền hạn hẹp. Trong nhóm có Tuấn mít (Lê Văn Tuấn) chơi rất cừ ở môn này. Tôi còn nhớ những đường sơn bi - những cú đề từ xa của Tuấn làm chúng tôi rất ngưỡng mộ và cố tập những cú đề nhưng đường bi chạy không ngọt bằng Tuấn.
Năm học lớp đệ Ngũ, mẹ tôi thuê nhà mụ Bộ Chánh, nhà có cây bồ đề lớn sát lò rèn của chú Thẻo ở ngả tư Quang Trung - Hồ Đắc Hanh. Vườn rộng có những cây chuối sứ, đó là vật chịu cho những cú tập đá và đấm của tôi sau khi được thầy là người Đại Hàn mang đai tam đẳng Taekowndo dạy ở hội trường nằm trong khuôn viên của sân vận động. Thời đó chúng tôi được học miễn phí. Tôi nhớ có lần thầy biểu diễn võ thuật ở ty thanh niên tỉnh, lần đó thầy biểu diễn bằng cú đá song phi qua 6 môn sinh cúi rạp người để đá vào tấm gỗ thông do 2 môn sinh ở cuối hàng đứng tấn giữ. Do thời tiết trước đó có mưa nên đường chạy trơn thầy đã bị té, không may cho các môn sinh cúi người đã bị thầy đè cũng may là không sao chỉ bị ê người. Lần đá thứ hai đã thành công trong sự reo hò của khán giả.
Thời học ở Nguyễn Hoàng, tôi và Xuân cùng chơi xà đơn. Nhà đứa nào cũng trồng xà đơn để tập. Thân xà đơn gồm 2 trụ đứng mỗi trụ là hai cột sắt dài 2,4m được hàn lại và đúc trong võ đạn đại bác 125 ly - xà ngang là ống nước bằng sắt, những thứ đó chúng tôi tự tay mua và cũng tự làm. Tôi còn đúc tạ để tập tạ nằm nữa. Tôi cũng đọc được cuốn sách Bắp thịt trước đã có in hình lực sĩ Phạm Văn Khỏe thời đó, trông những bắp thịt cuồn cuộn tôi rất mê và ngày nào cũng có chơi xà đơn và tập tạ nữa. Đến giờ tôi cũng phải khâm phục chính mình và bạn Xuân hồi đó đã chọn môn chơi tốt như các môn thể thao: Bóng rổ, bóng bàn, học võ, tập tạ, chơi xà đơn, nó cũng làm nền tảng cho thể lực của chúng tôi sau này. Tôi vẫn thường hay khuyên HS nên biết chơi thể thao và chịu khó rèn luyện thể lực để có sức khỏe mà học.
Lớp học của chúng tôi.
Những năm học ở lớp thất 4 đến tứ 4 lớp chúng tôi chỉ toàn là con trai. Sỉ số gần 50 HS, đến giờ sau hơn 45 năm tôi không nhớ được quá bán. Nghĩ lại tôi rất buồn, bạn cùng lớp từ thất 4 đến tứ 4 đến giờ chưa tập hợp lại được, chưa có buổi họp mặt nào kể từ ngày chúng tôi vào lớp đệ tam. Mỗi đứa theo hướng đi riêng, đứa theo ban A, đứa theo ban B, đứa vào ban C, đứa thì nghỉ học hoặc chuyển trường. Sau này chúng tôi có liên lạc được với nhau qua email, điện thoại… còn gặp mặt thì rất ít. Chỉ có tôi và Xuân là hay gặp nhau cho đến năm 2003 Xuân qua Mỹ.
1. Người lớn con nhất lớp, đứng tên đầu sổ xếp theo A,B,C và cũng là lớp trưởng của chúng tôi là Trịnh Văn Báu. Báu to con nên rất thuận lợi trong tranh bóng ở môn chơi bóng rổ và cũng là tay ném bóng xa hay của đội bóng chúng tôi. Từ lúc rời trường NH năm 1971 đến nay tôi cũng không liên lạc được với Báu.
2. Người cuối danh sách lớp là Nguyễn Vĩnh nay cũng không biết Vĩnh đang ở nơi mô?
3. Lê Văn Xuân bạn rất thân của tôi từ năm 1964 đến giờ. Chơi với Xuân, tôi quen luôn cả bà con bên nội & ngoại của Xuân. Mẹ của Xuân rất thương và xem tôi như con. Bác còn may những bộ đồ học võ bằng vải bao bột mì cho Xuân & tôi. Nay bác đã không còn nữa nhưng khuôn mặt đôn hậu của bác ngày nào vẫn còn đọng trong tôi cho đến giờ. Những năm thi bán và toàn phần ở Huế, tôi cũng được đi xe hơi chung với Xuân do ba Xuân lái. Tôi cũng thầm cám ơn gia đình Xuân đã xem tôi như là thành viên của gia đình. Xuân là HS rất thông minh, đã đỗ Thủ khoa ở kì thi vào đệ thất của khóa chúng tôi, viết chữ thì hơi bị xấu. Sau khi đậu tú tài ban B, Xuân vào học SPCN ở Sài Gòn để năm sau thi đậu tiếp vào Y Sài Gòn. Xuân học rất tốt ở trường Y Sài Gòn – ra trường cũng nằm trong danh sách tốp đầu tốt nghiệp và được phân về làm BS ở Trung tâm Ung bứu Tp HCM. Xuân làm trưởng khoa giải phẩu bệnh lý. Đến năm 2003 Xuân sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình và tiếp tục hành nghề Y. Tôi và Xuân thường liên lạc với nhau qua email.
4. Lê Văn Tuấn tự là Mít cũng là đứa bạn thân của tôi. Tuấn to con bề ngang, chơi bida rất hay. Trong nhóm, Tuấn là đứa chơi bida hay nhất. Tuấn là đứa bôn ba nhất trong bộ ba của chúng tôi từ giáo viên những ngày đầu giải phóng, nay chuyển qua hành nghề Luật sư ở thành phố HCM. Tuấn đã chịu khó học qua nhiều trường cao đẳng & đại học.
5. Trần Chí Thuận người Gio Linh, do chiến tranh nên Thuận chuyển vào học NH năm đệ tứ với chúng tôi, lên đệ tam vào ban C, nay là giáo viên THPT môn Anh Văn trường THPT Gio Linh ở quê nhà.
6. Cũng từ Gio Linh vào có Nguyễn Thường, nay nghe Thuận nói là định cư ở Mỹ.
7. Bạn Nguyễn Răng cũng từ Gio Linh vào nay đã mất do chiến tranh.
8. Nguyễn Chiến nay làm nghệ nhân chạm ở Xuân Tâm - Đồng Nai. Thỉnh thoảng tôi có gọi điện thăm.
9. Cái Phúc Thắng người làng Yên Thơ, xã Hải Hòa gần làng ngoại Câu Nhi của tôi. Học đến đệ tứ thì Thắng chuyển trường. Nay Thắng là bác sĩ làm ở thành ủy HCM. Một lần tình cờ tôi lại gặp Thắng trong một đám giỗ ở nhà chị Nguyên do Thắng làm rể Gò Công, một vùng đất địa linh nhân kiệt quê hương của bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức, nay có bà Trương Mỹ Hoa nguyên là phó chủ tịch nước. Vợ của Thắng là chị em cô cậu ruột với cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên, nguyên là HT trường THPT Trương Định nơi tôi dạy học, một trường nổi tiếng dạy tốt học tốt của tỉnh Tiền Giang. Tôi và Thắng mới liên lạc lại qua điện thoại, hẹn sẽ gặp lại trong dịp họp mặt cựu HSGS Nguyễn Hoàng ở SG vào ngay 19/2/2011.
10. Văn Ngoạn nay ở quê nhà Long Hưng - Quảng Trị, đang khó khăn vì còn phải nuôi con ăn học. Tôi mới liên lạc được với Ngoạn qua điện thoại trong thời gian gần đây.
11. Hồ Công Lộc nay ở Mỹ. Gần đây Lộc đã email cho tôi hẹn ngày gặp lại.
12. Nguyễn Hải Thủy nay là GS Tiến sĩ Y, làm việc tại Trường Đại Học Y Khoa Huế.
13. Nguyễn Miều, bạn mà tôi không thể quên được lí do là hồi năm lớp đệ ngũ cô Lê Khắc Phương Lan dạy Anh văn cũng là giáo viên hướng dẫn lớp tôi. Trong một lần bầu tổ trưởng, thay vì ghi Nguyễn Miều tôi đã ghi Nguyễn Mèo. Sau đó lớp đã bị cô phê bình và cô đã tiến hành điều tra và vẫn không phát hiện trò tinh nghịch đó lại do tôi, một học sinh ngoan của lớp & cũng là HS cưng của cô vì hồi đó tôi rất có năng khiếu học Anh văn.
14. Cao Hoa dáng thư sinh, hơi gầy. Nay tôi vẫn chưa liên lạc được.
15. Nguyễn Phi người hơi thấp nay cũng không liên lạc được.
16. Nguyễn Kham nay buôn bán ở thành phố HCM.
17. Dương Toàn nghe tên kêu giờ cũng không biết ở phương nào.
18. Hồ Đơn mình cũng không hình dung ra khuôn mặt chỉ nhớ tên ,nay cũng không liên lạc được.
19. Văn Thanh người làng Long Hưng tính ít nói,tốp người trầm lặng.Thanh là người đứng thứ hạng cao của lớp.Năm lên đệ tam thanh vào ban C sau đó vào học ĐHSP Huế ngành việt hán và đã mất hơn 10 năm nay.
20. Trần Mẹo tham gia CM đã hy sinh.
21. Trần Quốc Triền là người có thứ hạng cao của lớp, do Triền học đều các môn. Lên đệ tam Triền học ban C, vào Đại học sư phạm Anh văn ngành Giáo sư trung học đệ nhị cấp, lúc đó tôi học Toán. Sau năm 1975 Triền dạy Anh văn ở trường chuyên Lê Quí Đôn và làm ở công ty café ở Nha Trang. Cách đây mấy năm Triền bị hôn mê sâu và đã mất.
“LỤC BỐN THIÊN TỬ, LỤC BỐN CON TRỜI” Hàng chữ nguệc ngoạc viết bằng phấn trắng ở xà ngang gỗ của lớp Lục Bốn ngày nào tôi vẫn nhớ và in đậm trong tôi hơn 45 năm qua. Hàng chữ đó là do Võ Điển viết. Lớp tôi đã bị thầy tổng giám thị khiển trách.
22. Võ Điển là học sinh tài hoa của lớp, vừa học giỏi lại vừa đẹp trai, còn ăn bận thì khỏi chê. Hồi đó đi học đa số học sinh mặc áo trắng bằng vải thường và quần kaki xanh cũng vậy, riêng Điển thì diện áo bằng vải nilong và được ủi rất đẹp, có lẽ do nhà của Điển làm nghề giặt ủi và Điển cũng được cưng nữa. Điển là anh trai của Võ Thị Quỳnh, người có công rất lớn trong nối kết NH thông qua các tập Chân Dung & kỉ niệm viết về thầy cô bạn bè trường lớp NH nay cũng tích nhặt được gần 10 tập.
Như là một định mệnh, năm học đệ ngũ, Võ Điển đã thành con của trời đã về với đất do bị lạc đạn pháo chiến tranh. Đau đớn cho chúng tôi đã vĩnh viễn mất Võ Điển người con ưu tú của Ngũ bốn. Điển đã mãi ra đi với bao sự thương mến của bè bạn & thầy cô.
23. Trần Văn Khiểm bà con cô cậu với Võ Thị Quỳnh trước 1975 đã mất do chiến tranh.
24. Nguyễn Duy Lẫm hiện ở Bình Dương.
25.Nguyễn Ngọc Thuận hiện ở Đông Hà,Quảng Trị
26 . Nguyễn Hữu Đồng mà ngày xưa bọn tôi thường hay gọi là Đồng cá sấu do da bị nhăn nheo giống da cá sấu nay ở Dầu Giây ,Long Khánh ,Đống Nai.
27.Nguyễn Văn Hảo làm Y sĩ nay đã về hưu ở Bạc Liêu.
Nhiều bạn học mà tôi không còn nhớ được tên và hình dung ra được khuôn mặt nữa. Rất tiếc, có thể do chiến tranh - dấu vết trường xưa không còn nữa, mỗi đứa ly tán một nơi ít có dịp để trở về khuôn viên trường xưa trong những ngày hội ngộ nên chúng tôi không tìm lại được nhiều những khuôn mặt của Thất bốn đến Tứ bốn ngày xưa.
Các bạn đã nêu trên và các bạn chưa có, hoặc các bạn khác nếu qua bài này mà biết được xin liên hệ với tôi:
Võ Đình Đoan: DD 0989752952.
Địa chỉ: 73 Lý Tự Trọng, TX Gò Công, Tỉnh Tiền Giang.
Email: doangc@yahoo.co.uk để chúng ta nối kết với nhau.
28 . Riêng tôi, Võ Đình Đoan rời trung học NH năm 1971 vào học ĐHSP Huế ban Toán ngành Giáo sư trung học đệ nhị cấp, năm 1975 ra trường dạy học ở cấp 3 Phong Điền - Hương Điền - Hải Lăng. Đến năm 1984 chuyển vào dạy học ở trường THPT Trương Định Tx Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tôi có hai con trai (SN 1981-1983)đều được học bỗng toàn phần của chính phủ Úc. Cả haicháu đã tốt nghiệp Tiến Sỹ . Hiện các cháu đang làm việc và nghiên cứu về IT (công nghệ thông tin) ở Melboure bang Victoria của Australia.
Thầy cô thân yêu của chúng em
Tôi nhớ có ai đã ghi “Thầy cô trong ơn sâu, bạn bè trong nỗi nhớ”. Đúng vậy, “không thầy đố mầy làm nên”. Ngày nay chúng em nên người là nhờ vào công lao của thầy cô đã thương yêu và dạy dỗ chúng em với tâm huyết người thầy, không vụ lợi. Cái từ trù dập học sinh chỉ có sau này, thời chúng tôi học chưa bị nghe từ xấu xa đó. Các thầy cô đã truyền đạt các kiến thức cần thiết trên lớp và chúng em luôn nghiêm chỉnh, chăm chú nghe rất tập trung từng lời giảng của thầy cô sau đó về nhà tự học. Vào cái thời chúng tôi cũng không nghe từ học tư, vì các thầy cũng không có nhu cầu dạy và chúng tôi cũng không có nhu cầu học.Các thầy cô tha lỗi cho chúng em, thời gian đã làm cho trí nhớ bị lão hóa không thể nhớ hết các thầy cô, trong các thầy cô ở thất bốn đến tứ bốn có một số thầy cô mà em vẫn nhớ kèm những kỉ niệm.
1. Môn Toán
· Năm đệ thất thầy Phan Phụng Thạch dạy Toán, dáng người thầy gầy, nhỏ, cận thị. Thầy dạy toán rất hay. Thầy cũng là nhà thơ, tập thơ ấn tượng và nổi tiếng của thầy là “Lưu bút mùa hạ”. Tài hoa bạc mệnh, thầy đã mất những năm sau đó.
· Lên lớp đệ lục cô Hoa người Huế dạy Toán, dáng người cô nhỏ, khuôn mặt rất dễ thương giống cái tên của cô vậy. Cô rất hiền và chúng em cũng rất thích học với cô.
· Lên đệ ngũ và đệ tứ, thầy Nguyễn Văn Thị dạy Toán. Thầy người mập hơi thấp, lớp học của tôi rất ấn tượng với thầy Thị ở cách dạy và trong cách nói chuyện khôi hài ở những phút cuối giờ. Thầy thường cho học sinh làm toán chạy, có nghĩa là cứ một lần thầy chỉ chọn 5 bài của 5 em chạy lên nộp bài trước. Thường tôi và Xuân nằm trong tốp đầu ở các bài Toán chạy này.
2. Môn Anh Văn
· Năm học đệ thất thầy Sét dạy tiếng Anh – Hồi đó chúng tôi học Let learn english book one. Những từ của thầy dạy tôi đều thuộc tại lớp và các ngữ pháp cũng vậy. Tôi thấy rất dễ dàng với môn học này, chỉ cần học qua một lần là tôi thuộc các từ. Thầy cũng tập cho lớp chúng tôi những bài hát tiếng Anh mà đến nay tôi vẫn nhớ.
· Năm lên đệ lục và ngũ, chúng tôi học Let learn english book two và Practice your english với cô Lê Khắc Phương Lan. Tôi nhớ mãi cô dáng người gầy, nhà ở bờ sông. Cô dạy rất hay. Tôi rất thích học với cô. Ngày nay khi đi du lịch nước ngoài cũng nhờ một số từ vựng và ngữ pháp đã học thời trung học mà tôi cũng tạm giao tiếp được .
· Lên đệ tứ chúng tôi học English for today book three, một bộ sách rất hay với cô Quỳnh người Huế. Cô thường mặc áo đầm để lên lớp. Một lần làm cả lớp tôi thót tim là cô bị té trên bục giảng may mà không sao. Lớp chúng tôi cũng rất thích học với cô.
3. Môn Văn.
Về môn này tôi là HS không có năng khiếu. Ở lớp đệ ngũ cô Bùi Thị Ngọc Lan nay qua Chân dung &kỉ niệm tôi được biết cô đang ở bang Victoria-Australia, người cùng làng ngoại của tôi phụ trách. Lên đệ tứ thầy Lý Văn Nghiên, người làng Trùng Đơn ở gần quê nội của tôi phụ trách. Năm lên đệ tứ, môn văn tôi khá lên và nhờ vậy trong học kỳ 1 của năm đó tôi đứng hạng nhất lớp, một kỉ lục trong đời đi học. Và tôi nhớ mãi lời phê trong học bạ của thầy “Cứ thế mà tiến mãi”.Tôi thầm cám ơn thầy.
Bạn bè thân yêu ơi, thầy cô kính mến! Những kỉ niệm về thời đi học bao giờ cũng đẹp mà chúng mang theo ta đi suốt đường đời. Nếu có ai đó mà phủ nhận điều này thì quả là bất hạnh. Những người con của Nguyễn Hoàng luôn nhớ về thầy cô, bạn bè cũ. Những con xa quê bao giờ cũng hướng về quê hương yêu dấu. Nếu có ai hỏi quê anh ở đâu, tôi rất tự hào trả lời hai tiếng Quảng Trị nơi đó có dòng sông Ô Lâu, Vĩnh Định, Thạch Hãn….. và một ngôi trường Nguyễn Hoàng nổi tiếng một thời dĩ vãng, thời của chúng tôi đi học.
Gò Công 18 /7/2012_Võ Đình Đoan
Khúc sông Ô Lâu ở xóm Cang làng Câu Nhi hè 2008
Xuân (bên trái ) & Đoan ở KS Rex –HCM 2008.
Nhóm NH6471 tại quán Bảy Đực _Bình Quới –Thanh Đa-HCM _Xuân Canh Dần 2010. Hàng đứng từ phải sang : Lê Chí Dũng- Lư-Thầy Thăng-Vĩnh-Trần P Dũng-Quang. Hàng ngồi từ phải sang : Võ Đình Đoan-Hoàng Thanh Bình_Lê Văn Tuấn.
Cồn cát ở khu thị tứ Hải Lăng gần Đại Lộ Kinh hoàng mùa hè đỏ lữa năm 1972
Nhóm Nh6471 họp mặt ở quán Bảy Đực –Bình Quới –Thanh Đa _HCM xuân Canh Dần 2010.
Đứng từ phải sang : Vĩnh- An-Lư-Hảo-TP Dũng-Đoan- HT Bình.
Ngồi từ phải sang : Giáo-Vợ Vĩnh- Cô Liên vợ thầy Thăng-Cô PN Lan-x
Nhóm NH 6471 họp mặt ở nhà Bùi Phước Vĩnh lớp Thất 5 nk 1964_1965 tại HCM Xuân Kỷ Sửu 2009.
Họp mặt lần thứ nhất của nhóm bạn NH6471 ngày 07.7.2007 tại quán Rất Huế của nhà văn Nguyễn Đặng Mừng tại Thanh Đa-HCM.Đứng từ phải sang: Mừng-Hảo-Quyền-Hưng-Giáo-Quát .Ngồitừ phải sang : Lư-An-Sáng-Đoan-Tường.
Nhóm HS lớp 12B2 nk 1970_1971 với Thầy Lê Hữu Thăng & cô Phan Thị Ngọc Lan dạy Sinh tại quán Bảy Đực Xuân Canh Dần 2010.
Nhóm NH6471 liên hoan sau họp mặt xuân Mậu Tý 2008 ở Bảo Tàng miền ĐôngNam Bộ
Cầu Ga Quảng Trị hè 2010.
Nhóm NH 6471 trước nhà nhà Bùi Phước Vĩnh lớp Thất 5 nk 1964_1965 tạiTân Bình- HCM Xuân Kỷ Sửu 200.
Các thầy cô NH nhận Hoa ở buổi họp mặt Xuân Canh Dần 07.3.2010 ở nhà hàng dầu khí Thanh Đa –HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét