TTXuân - Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/Nhớ về rừng núi nhớ chơi
vơi/Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi…
Bình minh trên thị trấn Mường Lát - Ảnh: Hà Đồng |
Người du kích Lương Văn Pém của đoàn quân năm xưa - Ảnh: Hà Đồng |
Những câu thơ trong bài Tây Tiến bi hùng của Quang Dũng cách nay
65 năm về "đoàn quân không mọc tóc" cứ thôi thúc chúng tôi. Một ngày cuối đông,
chúng tôi vác balô ngược dòng "sông Mã gầm lên khúc độc hành" từ Thanh Hóa trực
chỉ Mường Lát. Sương mù dày đặc, xe len trong sương mà đi.
Vực sâu ngàn thước
Sau bảy tiếng đồng hồ qua quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ
15A rồi tỉnh lộ 520, qua các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang
Chánh, Bá Thước, Quan Hóa sau khi băng qua 250km đường sá cheo leo trầy trật, xe
chúng tôi đặt chân lên thị trấn Mường Lát.
Thị trấn nằm trên đỉnh núi, dưới khe sâu con sông Mã oai hùng
thét gào đỏ ngầu phù sa. Bữa cơm tối ở quán cơm Hải Muối, bà chủ quán làm cho tô
canh cá măng nấu mẻ chua với cọng dọc mùng (miền Nam gọi là bạc hà hoặc cọng môn
theo cách gọi miền Trung) húp xì xụp trong cái lạnh cuối đông, hơi khói mịt mù
phà từ mũi miệng. Anh lái xe Lương Văn Tiệu giới thiệu: cá lăng sông Mã ngon
nhất nước!
Sáng sớm khởi hành đi Sài Khao. Cách Mường Lát chỉ 20km nhưng
ngay cả cư dân bản địa ở đây nhiều người không biết đường đi Sài Khao. "Là vì
đường hiểm trở, không có đường ôtô, chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ", anh bạn
trẻ dẫn đường người Thái tên Hoàng Văn Nhiệm cho biết. 20km đường đi Sài Khao,
chúng tôi lần đầu hiểu thế nào là liều mạng.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…
Những con dốc dựng ngược trong bài Tây Tiến ngày xưa dành cho đội
quân chân đất ngay trước mắt. Xe máy cài số một, mệt nhọc rú rít giật cục từng
cơn bò trên con đường đất lẫn đá nhơm nhớp sương mai trơn trượt và chỉ rộng
chừng 30cm – nhiều đoạn chỉ 20cm và vết mòn chỉ vừa lằn bánh xe, một bên là vách
núi dựng đứng, một bên là vực sâu ngàn thước thăm thẳm.Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…
Xe chạy qua, đất đá rơi lạo xạo rồi mất hút. Đường vừa đi qua,
ngoái lại đã thấy mỏng te ngoằn ngoèo như sợi chỉ giữa trập trùng núi non và mờ
ảo trong sương. Sơ sẩy là tan xác. Nhưng Nhiệm lại tự hào: đây là con đường
thanh niên, do Đoàn thanh niên bản Suối Lóng làm cách đây hai năm với hơn 60 bạn
trẻ làm ròng rã trong hai tháng để thông với Sài Khao.
"Bạt núi thành đường, gian nan lắm nhưng có con đường bản làng ta
đi lại được, đưa con heo, con gà, bí ngô ra phố huyện" - Nhiệm nói. Bí ngô và bí
xanh (bí đao) ở Sài Khao là loại giống đặc biệt từ ngàn đời chưa bị lai tạp, bởi
người Mông dù di cư đến đâu cũng mang theo con giống bên mình, kể cả chó và heo,
nổi tiếng nhất là giống lợn ỉ. Ông Phạm Bá Điểm - người Mường, phó chủ tịch
huyện Mường Lát - cho biết lợn ỉ trong làng cứ thả lông nhông, đến mùa tết bà
con mang ra huyện bán được 150.000 đồng/kg hơi. Đây còn gọi là "lợn cắp nách",
đặc sản khi về xuôi.
Sau hơn hai giờ dò dẫm trên con đường kinh hoàng 8km từ bản Suối
Lóng với những vực sâu thăm thẳm và vách núi lừng lững, bất ngờ trước mắt hiện
ra một thung lũng nhỏ chìm khuất trong sương với những mái nhà bạc thếch. Nhiệm
quăng xe nằm vật ra đất thở phì phì: đã đến Sài Khao! Tiếng chó sủa tong tóc
nghe ấm áp. Sài Khao lừng danh bé bỏng và yên bình đến thế.
Trẻ em và người già Sài Khao đưa hàng về chợ huyện Mường Lát. Ngựa thồ là phương tiện tiện lợi nhất để vận chuyển hàng hóa về trung tâm - Ảnh: Hà Đồng |
Bản nghèo bình yên
Bản có 74 hộ, toàn người Mông. Bao nhiêu nhân khẩu thì ông trưởng
bản chịu, không biết. Nhà ông cũng là số ít có tường gạch, nền ximăng. Góc nhà
chất đầy 60 bao lúa. Lúa ở đây tính bao, không tính ký. Diện tích canh tác cũng
không tính bằng sào, bằng hecta. Giàng A Sùng - con trai ông trưởng bản, sinh
năm 1986, đã có vợ và ba con, từng đi bộ đội đóng ở Kon Tum - cho biết: "Nhà ta
trồng 60 ký lúa nương, 30 ký ngô". Cũng phải, tính sao được khi một hốc núi, một
vạt đất cũng cắm hạt lúa, hạt ngô đợi ngày ra bông ra trái.
Ngày chủ nhật nên Vàng A Căng - một trong tám học sinh đang học ở
trường huyện - về bản. "Bản ta đã có năm người học xong cấp III, có Vàng A May
là người đầu tiên đang học ở Đại học Hồng Đức" - A Căng tự hào. Nhà Vàng A Căng
có bảy anh em, ba người được đi học.
Nhưng số được đi học như anh em nhà A Căng không nhiều. Hai vợ
chồng Vàng A Dơ và Sùng Thị Chu (26 và 25 tuổi) đã có ba con vẫn chưa biết chữ,
dù Trường tiểu học Sài Khao chỉ cách nhà một hàng rào. Tục tảo hôn vẫn còn nặng
ở vùng này. Một em bé gái lấp ló nhìn khách lạ, A Căng bảo: "Nó tới tuổi sắp lấy
chồng rồi, thích ai thì về ở với người đó thôi". Đó là Vàng Thị Dúa, 12 tuổi. Cô
bé có đôi mắt sắc và gò má ửng hồng, đỏ lựng như trái cà chua.
Bản nghèo, nghèo quá! Có cái ăn như nhà Vàng A Sùng không phải là
nhiều. "Bí, ngô làm ra nhiều đấy nhưng chỉ để cho lợn ăn vì không có đường đi,
không bán được" - ông Phạm Bá Điểm nói. Bí ngô ở chợ Mường Lát bán 10.000
đồng/kg, một trái chừng 3-4kg. Xe máy chở ra chợ mỗi lần được chừng 5-7 quả
nhưng tiền xăng đã ngốn gần hết. Trâu, bò, lợn thì cứ thả rông, mùa lạnh lăn ra
chết. Thế nhưng nhà nào cũng có chiếc xe máy. "Nghèo thì nghèo, ta vẫn cố lấy
con xe làm cái chân mà đi" - Vàng A Dơ phân trần. Trước cửa nhà A Dơ là chiếc
cối xay bằng đá to đùng còn vương vãi bột ngô mới xay dùng làm mèn mén, món ăn
hằng ngày, sền sệt như hồ.
Con nít ở Sài Khao lăn lóc quẩn quanh trong bản. Mùa đông lạnh
ngăn ngắt, sương mù quện quanh dày đặc, có đứa tồng ngồng không mặc quần, mũi
dãi lò thò. Thương nhất là những bé gái chừng 5-6 tuổi đã cõng em ngoặt ngoẹo
ngủ trên lưng, cả chị cả em đều phong phanh áo xống. Chỉ những cô thiếu nữ biết
làm dáng mới mặc váy hoa sạch sẽ. Váy người Mông là một tuyệt tác, rực rỡ như
đàn bướm hoa, đỏ ối pha lẫn vàng cam, trong cơn gió lạnh lùa về phảng phất khói
sương như ngọn lửa làm bản làng ấm áp.
Sài Khao, tên bản đẹp và thân thương nhưng vẫn còn rất xa xôi và
nghèo khó quá.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Mường Lát có 7.161 hộ với 35.000 nhân khẩu. Mặc dù tỉ lệ hộ nghèo
đã giảm so với năm trước nhưng trong năm 2012 vẫn còn 49,4% hộ nghèo. Toàn huyện
có sáu dân tộc anh em: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú và ít nhất là người
Kinh.
Mường Lát nằm bên dòng sông Mã nổi tiếng với câu Sông Mã gầm lên
khúc độc hành. Sông Mã có hai nguồn chính, nguồn thứ nhất từ phía nam tỉnh Điện
Biên chảy qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La rồi qua lãnh thổ Lào, sau đó đổ về
Thanh Hóa. Tại đây sông chảy qua các huyện phía bắc của tỉnh, hội lưu với sông
Chu rồi đổ ra vịnh Bắc bộ theo hai nhánh cửa Lạch Hới và Lạch Sung. Phù sa sông
Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt
Nam.
|
ĐẶNG ĐẠI - HÀ ĐỒNG
_____________________
Tây Tiến
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Phù Lưu Chanh, 1948
QUANG DŨNG (Mây đầu ô, NXB Tác Phẩm Mới, Hà
Nội, 1986)
Bến Ngọc - nơi đoàn quân Tây Tiến xuất binh Tranh: QUANG DŨNG
vẽ năm 1960
|
Mường Lát, Sài Khao là hai địa danh trong bài Tây Tiến
của Quang Dũng (phía cực tây Thanh Hóa, giáp biên giới Lào), người lính trong
trung đoàn 52 Tây Tiến. Bài thơ này ông viết năm 1948. Số phận bài thơ lận đận
như cuộc đời ông. Hiện nay bài Tây Tiến được đưa vào sách giáo khoa lớp 12 và
còn được tạc vào bia đá đặt tại tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Tây Tiến ở Mai
Châu, Lạc Sơn (Hòa Bình).
Đoàn quân Tây Tiến thành lập tháng 2-1947, được Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đích thân phân công về phía Tây Bắc, tiến về mạn Sơn La,
Hòa Bình, tây Thanh Hóa, giáp biên giới Lào là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng để phong
tỏa, ngăn chặn ý đồ của quân Pháp đánh chiếm từ Lào qua, chiếm thế "cứ cao lâm
hạ" uy hiếp các tỉnh từ Lai Châu đến Thanh - Nghệ và đặc biệt là thực hiện âm
mưu "dĩ Việt chế Việt", chia rẽ và lập lực lượng lính Việt thiểu số đánh người
Việt.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, trung đoàn Tây
Tiến tiếp tục lên đường vào Nam làm nhiệm vụ giải phóng đất nước và sau đó làm
nghĩa vụ ở nước bạn Campuchia. Đoàn quân này đã sản sinh ra những danh tướng
trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như Đại tướng Văn Tiến Dũng,
huyền thoại bắn súng hai tay như một Tạ Đình Đề...
Đ.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét