Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

ĐI HỌC

Tôi đi học -
 Thanh Tịnh
Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây ban bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy, tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học . Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn. Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều, lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết. Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi: - Mẹ đưa bút thước cho con cầm. Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm: - Thôi để mẹ cầm cũng được. Tôi có ngay cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước. Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi. Trước sân trường làng Mỹ Lý dày đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa. Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ . Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng nào khác là nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng. Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn trong những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ . Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ . Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ . Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả ban tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp. Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước lớp ba. Trường làng nhỏ, nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông ta đọc đến tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ: - Thế là các em được vào lớp năm. Các em phải gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa. (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có một tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại.) Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút này, chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy, đã lúng túng, chúng tôi càng lúng túng hơn. Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói: - Thôi, các em lên đây sắp hàng để vào lớp học. Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cánh tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lưng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi. Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi. - Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa. Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười đang đón chúng tôi trước cửa lớp. Trong thời thơ ấu, tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ. Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết. Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường, tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận, rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tý hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá, đến nỗi tôi cũng không dám tin có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi. Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đánh vần đọc: - Bài tập viết : TÔI ĐI HỌC ! Quê mẹ, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, Hà Nội, 1941 Thanh Tịnh.




Bài thơ nổi tiếng “Đi học” được Minh Chính viết từ năm 1959, bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp, khi anh mới mười lăm tuổi. Bên dưới bài thơ có ghi “Kỷ niệm thăm Thản”. Thản ở đây là Trạm Thản, một vùng đồi địa thế đẹp có rất nhiều cọ và gần nhà anh.
 
“Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp...”. Trong vài thập niên trở lại đây, không một cô cậu học trò nào trên đất nước Việt Nam lại không biết đến những câu thơ đó trong bài thơ “Đi học” được in trong sách Tiếng Việt lớp hai.
 
Điều mà tôi dám chắc lại càng được khẳng định hơn khi những câu thơ có vẻ đẹp trong vắt đó được nâng cánh trên những giai điệu mang âm hưởng dân ca Tày - Nùng của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, đã trở thành quen thuộc với không chỉ trẻ em. Nhắc đến Bùi Đình Thảo, người ta nhớ ngay ông là một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc dành cho tuổi thơ. Nhưng với tác giả bài thơ “Đi học”, ngoài cái tên Minh Chính, người ta hầu như không biết gì thêm...

Tôi cũng nằm trong số những người này, cho đến trước mùa thu 1996. Năm đó NXB Giáo dục chủ trương xuất bản cuốn “Thơ chọn với lời bình” (2 tập), gồm những bài thơ hay nhất được chọn từ chương trình văn cấp tiểu học kèm theo các lời bình. Trong 6 bài thơ mà tôi nhận viết lời bình, có bài “Đi học” của Minh Chính. Công việc trôi chảy, nhưng đến khi NXB yêu cầu làm tiểu sử sơ lược về các tác giả để in kèm tác phẩm được chọn thì tôi gặp trở ngại...
Tôi không có thông tin gì về tác giả Minh Chính, ngoài một lần đã lâu lắm tình cờ được nghe láng máng qua đài phát thanh: Minh Chính là một anh bộ đội và bài thơ “Đi học” được gửi từ chiến trường ra NXB Kim Đồng. “Đi học” được chọn in trong một tuyển thơ dành cho thiếu nhi và đến lúc ấy, người ta vẫn chưa biết tác giả ở đâu để gửi nhuận bút và sách biếu! Chừng ấy chưa đủ “dựng” đôi dòng tiểu sử. Tôi và các biên tập viên NXB Giáo dục đã mất khá nhiều thời gian để “tìm” Minh Chính mà không ra.



Bản thảo đầu tiên của bài "Đi học".
Tôi không quan tâm lắm đến việc hỏi nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, phần vì không rõ ông đang ở đâu, phần vì tôi tin là ông cũng chỉ biết bài thơ đã được công bố mà không rành về tác giả của nó (nhạc sĩ đã mất một năm sau đó ở Hà Nam, tháng 12/1997). Nhưng thật lạ, vào giữa lúc đã tưởng chừng phải bó tay thì trí nhớ của tôi chợt lóe lên. Tôi bỗng nhớ có một lần nào đó, một nhà thơ trẻ ở Phú Thọ bảo rằng tác giả “Đi học” còn có một người bạn gái đang làm việc ở trên đó.


Vậy là bắt đầu một hướng kiếm tìm. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được chị H. - nhà giáo ưu tú, lúc ấy đang giữ cương vị Phó giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Phú. Từ chị H., tôi được gặp em trai của anh Minh Chính - Giám đốc một nhà máy đang nổi đình đám lúc bấy giờ ở miền trung du. Cũng nhờ chị H. mà tôi được tiếp xúc với nhiều kỷ vật của Minh Chính do cụ thân sinh anh tin cậy cho xem: hai tập thơ khá dày của anh do cụ tự tay chép lại để lưu giữ, nhiều bản thảo thơ rời và thư riêng mang bút tích của anh, bản nhạc do anh sáng tác, một vài tập thơ mỏng in ở chiến trường có bài của Minh Chính, và cả Thẻ đoàn viên của anh (thẻ mang số 1614002, ghi: “Ngày vào đoàn: 29/12/1963. Nhận dạng: cao 1m63, sẹo bên dưới trái cằm” )... cùng rất nhiều ký ức về anh còn nguyên vẹn trong tâm trí những người thân yêu.

Tôi đã kể lại chi tiết hành trình “đi tìm” Minh Chính trong một bài báo đã được giải thưởng cuộc thi phóng sự của tờ Tiền phong Chủ nhật. Đây là đoạn kết của bài báo nói trên: “Tôi kể lại hành trình đi tìm tác giả bài thơ “Đi học” không phải với ý định đánh giá một tài năng hay không phải tài năng (...). Đây cũng là dịp để tôi được biết thêm một trong rất nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp - những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê ước vọng của bản thân - để cầm súng ra trận. Nếu không có sự dở dang nghiệt ngã ấy, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ trở thành những tài năng, những người nổi tiếng. Nhưng họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Tự hào thay và cũng đau đớn thay!”.

Gia đình Minh Chính, cả hai bên nội, ngoại đều có truyền thống về dạy học và văn chương. Năm đời bên nội có người làm đốc học, gần nhất là chú ruột anh - ông Hoàng Trung Tích, một trong những vị Trưởng ty Giáo dục nổi tiếng của miền Bắc những năm chống Mỹ. Bác ruột anh là nhà thơ, dịch giả Nhượng Tống, người mà tên tuổi đã gắn với những áng văn dịch bất hủ từ nền văn học Trung Hoa.

Họ Hoàng, sinh ra ở quê nhà ý Yên (Nam Định) năm 1944, nhưng suốt tuổi thơ và thời cắp sách, Minh Chính lại gắn bó với miền cọ Trung du (thôn Tiên Phú, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Đây là nơi gia đình anh đã dừng chân trên con đường kháng chiến. Bố anh từng làm Trưởng ty Túc mễ (lương thực) của chính quyền Việt Minh, sau này cụ là Phó ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú cho đến khi nghỉ hưu. Trong 6 anh em trong gia đình thì Minh Chính là người có thiên hướng văn chương rõ nhất. Một trong những bài thơ thời “con nít” trường làng của anh còn giữ lại được là bài “Học làm thơ”: Cô giáo dạy con làm thơ/ Con viết “tiếng ru của mẹ...” /Ngoài hiên sương muối phủ mờ/ Con vui như đàn chim sẻ/ Cô giáo gọi lên khẽ nói/ “Bài hay, em được điểm mười”/ Rồi hai cô cháu cùng cười/ Hôm nay chấm bài cho mẹ...
Có một điều bất ngờ là bài thơ nổi tiếng “Đi học” được Minh Chính viết từ năm 1959, bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp, khi anh mới mười lăm tuổi. Bên dưới bài thơ có ghi “Kỷ niệm thăm Thản”. Thản ở đây là Trạm Thản, một vùng đồi địa thế đẹp có rất nhiều cọ và gần nhà anh. Bản thảo lần đầu ấy, bài thơ có 4 khổ như sau: Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi/ Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp/ Đường xa em đi về/ Có chim reo trong lá/ Có nước chảy dưới khe/ Thì thào như tiếng mẹ/ Dù bom rơi đạn nổ/ Em vẫn học vẫn hành/ Vẫn ngắm màu cờ đỏ/ Rạo rực giữa rừng xanh”.
Bài thơ được sửa chữa lại sau đó, vào năm nào không rõ, nhưng chắc chắn phải sau năm 1964, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra miền Bắc. Tôi đoán vậy vì thấy bên lề bản thảo có nhiều gạch xóa và những câu thơ gợi không khí của chiến tranh. Đây là một số câu thơ rời được viết thêm bên lề: “Trường của em be bé/ Nằm lặng dưới dặng cây/ Chiến hào chạy giữa lớp/ Chẳng sợ gì máy bay”; “Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay”; “Mũ rơm thơm em đội/ Hương cốm chen hương rừng”; “ Mỗi lần em tới lớp/ Là một lần lớn thêm”... Cũng trong lần sửa chữa này, Minh Chính đã dùng gạch chéo xóa bỏ đoạn thơ cuối trong lần viết đầu và ta có thể dễ dàng nhận thấy anh đã sắp xếp lại các câu thơ, đảo lại trật tự các khổ thơ để có một bản chính thức đã quen thuộc với bạn đọc bây giờ.

Và như vậy cũng có nghĩa là bài thơ “Đi học” đã được sửa chữa khi tác giả của nó đã trở thành một người lính. Năm 1963, khi đang là học sinh Trường cấp 3 Hùng Vương (Phú Thọ), Minh Chính đã tạm gác con đường đèn sách, tình nguyện nhập ngũ. Anh là lính bộ binh, hai lần đi B. Lần thứ nhất là năm 1966, vào chiến trường B2 và lần thứ hai là năm 1969. Hoàn cảnh chiến trường ác liệt, lại là một Thượng úy Đại đội trưởng của Sư đoàn 312, nhưng Minh Chính vẫn làm được nhiều thơ.

Anh bắt đầu in thơ trên một số tờ báo từ năm 1964: “Đường về quê mẹ”, “Dòng sông Công”, “Mùa nhãn”, “Qua trường cũ”, “Cô gái lái đò trên sông Cam Lộ”... Thơ anh không hiếm câu hay và chúng nằm trong phong cách chung của thơ ca quãng giữa giai đoạn chống Mỹ, ngời lên niềm tin và lý tưởng của một thế hệ thanh niên mặc áo trận ra đi từ các mái trường XHCN... Tiếc rằng, những bài thơ đó đã thất lạc khá nhiều. Chúng thất lạc ngay tại chiến trường và thất lạc trên đường anh gửi ra các tờ báo miền Bắc.

Cuối năm 1969, Minh Chính trở lại chiến trường lần thứhai. Trước khi đi, anh gom những bài thơ còn giữ được gửi lại người thân. ở Quảng Trị một thời gian, đơn vị anh tiếp tục vào sâu hơn để sang chiến trường K. Tại đây, vào một ngày của tháng 3/1970, anh đã ngã xuống dưới những bóng cây thốt nốt giữa lúc mới 26 tuổi đời. Khi đó, anh không thể biết rằng một năm sau bài thơ “Đi học” sẽ được ra mắt bạn đọc lần đầu tiên ở Hà Nội
Đi học
(Bản in trong sách giáo khoa)
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp.
Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
 Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay.
Hương rừng thơm đồi vắng,
Nước suối trong thầm thì…
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi.

Trần Hòa Bình







 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét